Hãng tin AP ngày 8-5 cho biết nhà vận hành hệ thống đường ống dẫn dầu hàng đầu của Mỹ Colonial Pipeline đã tạm dừng toàn bộ hoạt động của mình để đối phó mối đe dọa sau khi trở thành nạn nhân của một vụ tấn công mạng.
Phần mềm độc hại được sử dụng trong vụ tấn công này là ransomware, được thiết kế để khóa các hệ thống bằng cách mã hóa dữ liệu và yêu cầu thanh toán để lấy lại quyền truy cập. Phần mềm độc hại này đã trở nên phổ biến trong 5 năm qua.
Một cựu quan chức chính phủ Mỹ và hai nguồn tin trong ngành cho biết rất có thể tin tặc đến từ một nhóm tội phạm công nghệ cực kỳ chuyên nghiệp.
Theo các chuyên gia, cuộc tấn công khó có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu và giá xăng, trừ khi hậu quả của vụ việc khiến đường ống phải tạm ngừng hoạt động trong khoảng thời gian dài.
Khu vực các bể chứa dầu thuộc sở hữu của công ty Colonial Pipeline, Mỹ. Ảnh: AP
Colonial Pipeline cung cấp nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu của Mỹ ở vùng duyên hải Vịnh Mexico tới các tiểu bang phía đông và nam của Mỹ.
Công ty này vận chuyển 2,5 triệu thùng xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm khác mỗi ngày thông qua 8.850 km đường ống, chiếm khoảng 45% nguồn cung nhiên liệu Bờ Đông nước Mỹ.
Đại diện công ty tiết lộ vụ việc đã ảnh hưởng đến một số hệ thống công nghệ thông tin của họ và Colonial Pipeline đã chuyển sang hoạt động ngoại tuyến cũng như tạm đóng các hệ thống của họ để ngăn chặn mối đe dọa.
Nhà Trắng cho hay Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về vụ việc vào sáng ngày 8-5 và chính phủ liên bang đang làm việc với công ty để đánh giá tác động của vụ tấn công, tìm cách khôi phục lại hoạt động để tránh gián đoạn nguồn cung.
Washington cũng đang lên kế hoạch cho các tình huống khác nhau và làm việc với cácn tiểu bang và địa phương về những biện pháp cần thiết để giảm thiểu bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào về nguồn cung.
Công ty an ninh mạng FireEye cho biết họ đã được thuê để tiến hành điều tra vụ tấn công mạng này.
Khu vực đường ống dẫn dầu do công ty Colonial Pipeline sở hữu. Ảnh: AP
AP dẫn lời nhà phân tích dầu mỏ Andy Lipow nói rằng tác động của vụ tấn công mạng trên lên nguồn cung và giá nhiên liệu sẽ tùy thuộc đường ống trên bị ngưng hoạt động trong bao lâu.
"Nếu đường ống ngưng hoạt động một hoặc hai ngày, tác động sẽ nhỏ. Tuy nhiên, nếu ngưng năm hay sáu ngày thì sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt hoặc tăng giá, đặc biệt ở khu vực trải dài từ bang Alabama tới thủ đô Washington D.C, đồng thời ảnh hưởng nguồn cung nhiên liệu cần thiết để duy trì hoạt động của các sân bay lớn" - ông Lipow chia sẻ.
Vụ việc một lần nữa nhấn mạnh mối nguy hiểm của các lỗ hổng trong hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng trước các cuộc tấn công mạng, có nguy cơ cản trở hoạt động, tạo ra thách thức mới đối với chính quyền Mỹ, vốn vẫn đang đối phó với vụ tấn công mạng nhiều tháng trước.
“Vụ việc nhấn mạnh mối đe dọa mà một cuộc tấn công mạng có thể gây ra cho các công ty, bất kể quy mô hoặc lĩnh vực nào” - một quan chức Mỹ nhận định.
“Chúng tôi khuyến khích mọi công ty và tổ chức mau chóng hành động để củng cố an ninh mạng của họ, giảm mức độ phơi nhiễm với các mối đe dọa này” - người này nói thêm.