Bức thư đã được gửi đến Bộ trưởng Tư pháp David Lametti nhưng nội dung cụ thể không được công khai.
Trong phần công bố với báo giới, các luật sư của bà Mạnh kêu gọi ông Lametti "rút lại các thủ tục tố tụng vì các thủ tục dẫn độ không được công nhận; việc chấm dứt tố tụng sẽ là lợi ích tốt nhất cho Canada".
Bà Mạnh, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei, đã bị bắt giữ tại Vancouver năm 2018 theo yêu cầu của phía Mỹ với các cáo buộc gian lận liên quan đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và nói dối về hành động đó với các ngân hàng Mỹ.
Bộ trưởng Tư pháp Canada đã nhận thư yêu cầu hủy bỏ thủ tục dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Châu. Ảnh: iPolitics
Các luật sư của nữ doanh nhân Trung Quốc cho rằng vụ kiện này rõ ràng mang "động cơ chính trị" và "bất thường" từ các quan điểm pháp lý, và đối ngoại.
"Theo quan điểm của chúng tôi, Canada đang ở giữa ngã tư, một là tôn trọng yêu cầu dẫn độ bà Mạnh đến Mỹ vì hành vi không vi phạm luật của Canada; hai là đi ngược lại với các giá trị của Canada và các chính sách đối ngoại được thiết lập với Iran", luật sư phía Huawei nói.
Theo luật của Canada, Bộ trưởng Tư pháp có thể can thiệp vào các trường hợp dẫn độ.
Gần đây, cựu Thủ tướng Canada Jean Chretien kêu gọi Thủ tướng đương nhiệm Justin Trudeau từ chối yêu cầu dẫn độ của Mỹ và hủy bỏ vụ kiện. Ông Trudeau chưa có phản hồi chính thức.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland lại không đồng ý với đề nghị này.
"Nó sẽ tạo tiền lệ rất nguy hiểm cho Canada khi thay đổi các hành vi vốn tôn trọng hiệp ước dẫn độ nhằm đối phó với áp lực bên ngoài", bà Freeland nói.
Văn phòng của ông Lametti cho biết hiện nay "không thích hợp" để bình luận về vụ việc của bà Mạnh trước khi ra tòa, theo AFP.
Dự kiến phiên xử về việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ sẽ bắt đầu từ ngày 20-1-2020. Hiện bà Mạnh vẫn đang được tại ngoại dưới sự giám sát đặc biệt.
Quan hệ của Canada với Trung Quốc đã bị xáo trộn kể từ khi bà Mạnh bị cảnh sát Vancouver bắt giữ.
Hãng tin AFP nói rằng, trong một động thái được cho là trả đũa, Bắc Kinh đã bắt giữ hai người Canada là cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, cũng như chặn vận chuyển các lô hàng nông nghiệp Canada trị giá hàng tỉ USD.