Ngày 7-11, Bộ Tư pháp Mỹ chính thức buộc tội công ty công nghệ Aventura tại New York vì đã thu lợi hàng chục triệu USD vì bán các thiết bị do Trung Quốc sản xuất nhưng dán nhãn “Made in USA” cho quân đội nước này.
Bảy nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của công ty Aventura cũng bị buộc tội gian lận, rửa tiền và nhập khẩu thiết bị trái phép.
Sáng 7-11, đặc nhiệm liên bang Mỹ đã đột kích vào trụ sở công ty này tại Long Island, bang New York trong lúc hàng chục thùng chứa thiệt bị công nghệ đang được vận chuyển.
Cuộc đột kích diễn ra khoảng 9 giờ sáng 7-11 khi hàng chục thùng chứa các thiết bị đang được vận chuyển, tháo dỡ. Ảnh: NBC
Theo Văn phòng Công tố tại New York, vụ việc trên bị phát hiện đã khiến chính phủ liên bang và nhiều lực lượng quân sự như lục quân, hải quân và không quân đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về an ninh mạng, đồng thời tạo ra một công cụ mà qua đó "các chính phủ nước ngoài thù địch" có thể tiếp cận một số cơ sở nhạy cảm nhất của Mỹ.
Từ năm 2005, công ty Aventura đã kiếm được hơn 88 triệu USD, trong đó có hơn 20 triệu USD từ các hợp đồng với chính phủ liên bang bằng việc bán các thiết bị giám sát mà họ nói là sản xuất ở trụ sở chính.
Đài NBC dẫn cáo trạng tòa án, công ty này không hề sản xuất bất kỳ mặt hàng nào, mà thay vào đó, nhập khẩu các sản phẩm Trung Quốc, rồi dán nhãn sản xuất tại Mỹ và bán lại trên thị trường.
Chủ mưu thương vụ này là Jack Cabasso, giám đốc điều hành công ty. Nhân vật này đã chỉ đạo tiến hành chi tiết các bước nhằm che giấu nguồn gốc sản phẩm như tháo bỏ mã code (mã nhận dạng) trong phần mềm, sửa đổi các đóng dấu trên bảng mạch và dán các tem giả “Made in USA” trên các mặt hàng trước khi nhập khẩu vào Mỹ.
Kẻ chủ mưu Jack Cabasso (bên trái, phía trên) cùng các đồng phạm đã thu lợi hàng chục triệu USD vì bán các thiết bị Trung Quốc đội lốt hàng Mỹ. Ảnh: NBC
Các thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc đội lốt “made in USA” này đã được lắp đặt trên hàng chục căn cứ, cơ sở của quân đội Mỹ như tàu sân bay của Hải quân và trên các thiết bị của Bộ Năng lượng nước này. Trong đó, có camera giám sát tăng cường ban đêm trị giá 13.500 USD cho Hải quân Mỹ, 25 camera chuyên dụng cho Không quân.
Thực tế, từ năm 2017, đã có một cuộc điều tra về công ty Aventura này khi các binh lính Không quân Mỹ phát hiện một số dấu hiệu trong hình ảnh mà họ thu được từ các thiết bị trên có liên quan đến tình báo Trung Quốc nhưng lại dán nhãn "Made in USA".
Sự việc trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang có nhiều lo ngại về các gián điệp kinh tế Trung Quốc và trộm cắp bí mật thương mại, theo đài NBC.