Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc (TQ) vừa lên tiếng rằng Mỹ cần “cho thấy rằng mình sẽ bù đắp cho bốn năm qua (thời gian mỹ rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris) như thế nào”, trong đó có các khoản đóng góp cho Quỹ Khí hậu Xanh (do Liên Hợp Quốc bảo trợ nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển chịu tác động từ biến đổi khí hậu).
Những lời này do người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh tuyên bố trên Twitter cuối tuần qua, đồng thời ví việc Mỹ quay lại với thỏa thuận khí hậu Paris chỉ giống như việc một đứa bé sau thời gian trốn học quay trở lại lớp chứ chẳng phải vẻ vang gì.
Phát ngôn của bà Hoa được đưa ra trong bối cảnh ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ - cựu Ngoại trưởng Mỹ, có mặt ở Thượng Hải để bàn bạc về chủ đề khí hậu với phía TQ. Ông Kerry là quan chức đầu tiên của chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đến TQ.
Ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ - cựu Ngoại trưởng Mỹ (ngồi sau cùng), được đưa về một khách sạn ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 14-4. Ảnh: REUTERS/TAIWAN NEWS
Trong khi bà Hoa có phát ngôn cứng rắn thì lời lẽ của Phó Thủ tướng TQ Hàn Chính có phần mềm mỏng hơn, rằng “TQ nhận thức được tầm quan trọng của việc đối thoại và hợp tác với phía Mỹ về biến đổi khí hậu”, theo Tân Hoa xã.
Sau cuộc đối thoại trực tuyến với ông Kerry, ông Hàn nói thêm rằng TQ hoan nghênh việc Mỹ quay lại thỏa thuận khí hậu Paris và hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ thỏa thuận cũng như chia sẻ trách nhiệm và có đóng góp tương xứng.
Theo báo Business Times, chuyến đi của ông Kerry được xem như một cơ hội để Mỹ và TQ bỏ qua một bên các căng thẳng chính trị, tập trung vào hợp tác chống biến đổi khí hậu.
Ông Kerry và nhiều quan chức chính phủ Mỹ từng xác định chuyện hợp tác chống biến đổi khí hậu với TQ - nước thải khí carbon nhiều nhất thế giới, gần 30% toàn cầu - là điều sống còn. Sẽ không thể có giải pháp nào cho tình trạng biến đổi khí hậu nếu không có sự tham gia của Mỹ hoặc TQ hoặc cả hai khi lượng khí thải carbon của hai nước gộp lại chiếm gần một nửa toàn cầu.
Năm ngoái, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tuyên bố rằng nước này sẽ chạm tới mức thải khí carbon cao nhất trước năm 2030 và sẽ trung hòa khí carbon thải ra vào năm 2060. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng mục tiêu này khó đạt được khi TQ lệ thuộc lớn vào than đá.
Phần Mỹ, theo Reuters, dự kiến tuần này chính phủ Tổng thống Biden sẽ thông báo các mục tiêu mới của Mỹ về việc giảm thải khí carbon. Mỹ đã mời ông Tập tham gia hội nghị thượng đỉnh khí hậu do Mỹ chủ trì (dự kiến diễn ra trong tuần này).