“Tôi không biết công nghệ của Triều nằm ở mức độ như thế nào nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nhiều khi thả một tên lửa xuống ngay trung tâm Tokyo thay vì thả xuống một nhà máy điện hạt nhân nhỏ” - Shunichi Tanaka, người đứng đầu Cơ quan quản lý hạt nhân (NRA) của Nhật Bản, phát biểu hôm 6-7 tại một sự kiện ở Takahama.
Takahama là một thị trấn ở tỉnh Fukui, cách Tokyo khoảng 350 km về phía Tây. Tại đây có nhà máy điện hạt nhân của Công ty năng lượng điện Kansai với hai lò phản ứng hạt nhân hoạt động là lò số 3 và số 4.
Theo Kyodo News, bình luận của ông Tanaka được đưa ra sau khi một người dân địa phương tham gia sự kiện hỏi ông rằng NRA, một đơn vị thành viên của Bộ Môi trường Nhật Bản, sẽ phản ứng như thế nào trước một cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên.
Ông Shunichi Tanaka, Chủ tịch Cơ quan quản lý hạt nhân (NRA) của Nhật Bản. Ảnh: CNN
Sau câu trả này, ông Tanaka đã hứng một loạt chỉ trích từ người dân tham gia sự kiện cũng như những người theo dõi. Người phát ngôn NRA ngày 7-7 cho biết ông Tanaka sau đó đã nhanh chóng bổ sung rằng ông chỉ đang đùa.
Ông Tanaka đã phải lên tiếng nói với các phóng viên rằng “ví dụ trên là không thích hợp”. Theo ông, “chỉ một quốc gia hòa bình mới nên sử dụng năng lượng hạt nhân. Tôi hy vọng rằng việc tìm đến một cuộc chiến hoàn toàn nên được tránh xa”.
Ngày 7-7, Bộ trưởng Môi trường Nhật Koichi Yamamoto cũng cho biết: “Chủ tịch Tanaka đã gửi lời xin lỗi. Ông nói rằng bình luận của ông là không thích hợp. Từ giờ trở đi, tôi muốn ông ấy cẩn trọng với từng lời nói và hành động của mình”.
Đây không phải lần đầu tiên một quan chức Nhật Bản hứng chỉ trích khi bình luận về Triều Tiên. Masanori Tanimoto, tỉnh trưởng tỉnh Ishikawa, hồi tháng trước cũng bị chỉ trích vì nói người dân Triều Tiên nên bị “bỏ đói đến chết” nếu Bình Nhưỡng có ý dùng tên lửa tấn công vào tỉnh này. Vị quan chức sau đó phải rút lại bình luận.
Sáng 4-7, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo ra hướng biển Nhật Bản. Nước này tuyên bố đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14, bay được chặng đường 933 km với độ cao 2.802 km và bắn trúng mục tiêu giả định trên biển Nhật Bản. Đây là lần thứ năm kể từ tháng 8-2016, một tên lửa Triều Tiên rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Các chính quyền địa phương ở Nhật Bản thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động diễn tập sơ tán nhằm đề phòng trường hợp bị Triều Tiên tấn công tên lửa. Theo Reuters, nhiều người thậm chí đã chi hàng trăm ngàn USD để xây hầm trú ẩn phòng một vụ tấn công hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên.