Mới đây, Bộ Y tế đã ra Quyết định 4384/QĐ-BYT, ngày 01-12-2023 về việc công bố hai thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực tài chính y tế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế. Quyết định 4384 có hiệu lực thi hành từ ngày 19-10-2023.
Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện thủ tục khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người tham gia BHYT.
Giấy tờ cần xuất trình khi đăng ký khám chữa bệnh BHYT
- Người tham gia BHYT khi đến cơ sở KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc CCCD; trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã, định danh điện tử mức độ 2,…; đối với trẻ em dưới sáu tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT.
-Đối với trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định quy định trên trước khi ra viện.
- Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia BHYT phải có phải có Giấy chuyển tuyến KCB BHYT, hồ sơ chuyển viện của cơ sở KCB.
- Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có Giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB.
- Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở KCB BHYT khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Những trường hợp đặc biệt khi khám chữa bệnh
- Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở KCB và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
- Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến KCB phải xuất trình Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, BHYT và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
- Người đã hiến bộ phận cơ thể đến KCB phải xuất trình các giấy tờ nêu trên. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì thủ trưởng cơ sở KCB nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
- Trường hợp chuyển tuyến KCB, người tham gia BHYT phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở KCB và Giấy chuyển tuyến. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12 năm dương lịch nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng Giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.
- Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có Giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB.
- Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình các giấy tờ theo quy định tại Nghị định số 75/2023 hoặc Nghị định số 146/2018 trước khi ra viện. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở KCB làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở KCB đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở KCB khác thì được xác định là đúng tuyến KCB.
- Người tham gia BHYT trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được KCB ban đầu tại cơ sở KCB cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT và phải xuất trình các giấy tờ nêu trên và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản sao): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.