Phát biểu kết luận phiên họp thứ 17 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 15-1, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo, nói: “Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; điều tra làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhưng cũng rất nhân văn”.
Hàng chục tỉ đồng được nộp khắc phục
Thật vậy, trong năm 2019, hàng loạt vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, tài sản tham nhũng được thu hồi đáng kể.
Điển hình như đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, ngày 28- 12-2019, TAND TP Hà Nội đã tuyên án chung thân ông Nguyễn Bắc Son, cựu bộ trưởng TT&TT, về hai tội nhận hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng hai tội này, cựu bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn bị phạt 14 năm tù; ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, 23 năm tù; ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc MobiFone, bị 14 năm tù…
Điều đáng nói trong vụ án này là số tiền ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ đã được bị cáo tác động để gia đình tự nguyện nộp lại. Ngay trước thời điểm tòa tuyên án, gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp đủ 66 tỉ đồng (tương đương 3 triệu USD) để khắc phục hậu quả đối với tội nhận hối lộ. Ngoài ra, các bị cáo khác cũng nộp lại toàn bộ số tiền đã thu lợi bất chính do nhận hối lộ (Lê Nam Trà nộp 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải nộp 500.000 USD, Trương Minh Tuấn nộp 200.000 USD).
Ngay khi phiên xử vụ MobiFone - AVG đang diễn ra thì TAND TP.HCM cũng đưa ra xét xử vụ ông Nguyễn Hữu Tín, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM, cùng các đồng phạm giao đất số 15 Thi Sách, quận 1 cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ làm chủ tịch HĐQT). Đến ngày 31-12-2019, tòa đã tuyên phạt ông Tín bảy năm tù, bị cáo Đào Anh Kiệt sáu năm sáu tháng tù, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Các bị cáo còn lại mức án 3-5 năm tù.
Trong năm 2019, vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), cũng đã được xét xử. Theo đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Nguyễn Ngọc Sự (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin) 13 năm tù, Trương Văn Tuyến (cựu tổng giám đốc Vinashin) bảy năm tù, Phạm Thanh Sơn (cựu phó tổng giám đốc Vinashin) sáu năm tù và Trần Đức Chính (cựu kế toán trưởng Vinashin) 17 năm tù, cùng về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Từ năm 2010 đến tháng 6-2014, Vinashin đã thực hiện hơn 2.300 hợp đồng giao dịch tiền gửi có kỳ hạn vào OceanBank với gần 104.000 tỉ đồng và gần 182 triệu USD. Tiền lãi theo hợp đồng là gần 1.100 tỉ đồng và gần 30.000 USD. Trong số tiền nhận từ OceanBank, bị cáo Sự chiếm hưởng 8 tỉ đồng, bị cáo Tuyến 3,5 tỉ đồng, bị cáo Sơn 1,2 tỉ đồng, bị cáo Chính 10 tỉ đồng. Điều đáng ghi nhận là trong quá trình tố tụng, các bị cáo đã nộp lại phần nào số thu lợi bất chính (bị cáo Sự nộp lại 8,3 tỉ đồng, bị cáo Tuyến 3,5 tỉ đồng, bị cáo Sơn 1,2 tỉ đồng...).
Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong đại án MobiFone - AVG. Ảnh: T.PHAN
Chặt đứt các hành vi bất chính
Vụ hai cựu tướng công an giúp Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất công là minh chứng rõ thể hiện quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, trong đó có cả lực lượng công an. Các bị cáo đã thâu tóm bảy dự án đất vàng tại Đà Nẵng và TP.HCM, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.159 tỉ đồng.
Tháng 6-2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù, hai cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân lần lượt bị phạt 30 và 36 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng vụ, bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (cựu cán bộ Tổng cục V) đã bị kết án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm vụ án này, sau đó hai cựu thứ trưởng Bộ Công an kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo nhưng tòa phúc thẩm không chấp nhận.
Ngày 25-9-2019, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt sáu bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty Cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank), gây thất thoát gần 1.700 tỉ đồng.
HĐXX đã phạt Lê Bạch Hồng (nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) sáu năm tù; Nguyễn Huy Ban (nguyên tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và Nguyễn Phước Tường (nguyên trưởng Ban Kế hoạch-Tài chính, kiêm kế toán trưởng Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cùng bị phạt 14 năm tù. Nhiều bị cáo khác cùng vụ cũng phải nhận các mức án tương ứng với hành vi phạm tội.
Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn dân sự là Bảo hiểm xã hội Việt Nam. HĐXX xác định số tiền thiệt hại của vụ án là gần 1.700 tỉ đồng, trong đó Agribank phải có trách nhiệm bồi thường cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam hơn 862 tỉ đồng. Số tiền còn lại là 835 tỉ đồng thuộc trách nhiệm các bị cáo phải bồi thường, do đã có lỗi cố ý.
Năm qua, ba cựu lãnh đạo Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) cũng hầu tòa vì nhận lãi ngoài từ OceanBank. Theo đó, ngày 31-5, TAND TP Hà Nội đã
tuyên phạt Đỗ Văn Khạnh (cựu tổng giám đốc PVEP) ba năm tù, Nguyễn Tuấn Hùng (cựu trưởng Ban tài chính PVEP) 20 năm tù và Vũ Thị Ngọc Lan (cựu phó tổng giám đốc PVEP) 18 tháng tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
PVEP là công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thực hiện chỉ đạo của PVN về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính của OceanBank PVEP đã gửi từ 3 tỉ đồng đến 900 tỉ đồng một tháng. OceanBank có chủ trương chi lãi ngoài hợp đồng và cử người “chăm sóc” PVEP bằng cách chi 29 lần tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVEP với số tiền 54,6 tỉ đồng. Tiền này các cựu lãnh đạo PVEP không hạch toán vào sổ sách cá nhân mà chia nhau tiêu xài riêng (bị cáo Khạnh nhận hơn 4 tỉ đồng, Lan được chia 200 triệu đồng và Hùng nhận gần 40 tỉ đồng).
10 vụ án tham nhũng lớn Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu xét xử trong năm 2020 • Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát (Sabeco), quận 1, TP.HCM. • Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM. • Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM. • Vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại hội sở chính Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Chi nhánh Hà Thành, Chi nhánh Hà Tĩnh và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Trung Dũng. • Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) trong dự án xây dựng Nhà máy ethanol Phú Thọ. • Vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan. • Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn hai - Công ty Gang thép Thái Nguyên. • Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). • Vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank). • Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Truy tố 23 vụ án mới Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong năm 2020 tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc; truy tố 23 vụ án; xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm bảy vụ án theo kế hoạch. |