Ra quyết định sa thải trái luật rồi thu hồi: Công ty có phải bồi thường?

(PLO)- Bạn đọc hỏi: Trường hợp công ty ra quyết định sa thải trái pháp luật rồi thu hồi quyết định sa thải đó thì có phải bồi thường cho người lao động hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-12-2023, tôi xin phép công ty nghỉ việc nhưng không được duyệt đơn nên ngày 2-1-2024 tôi tiếp tục lên công ty để làm việc thì đã bị công ty thu máy tính. Không thể làm việc được nên tôi đã rời khỏi công ty.

Ngày 3-1, công ty ra Thông báo mời tôi tham gia buổi họp xử lý kỷ luật lao động nhưng tôi không tham gia; ngày 9-1, công ty ra Quyết định sa thải tôi với lý do tự ý nghỉ việc 5 ngày. Ngày 29-1, công ty ra Thông báo về việc thu hồi Quyết định sa thải với lý do việc ban hành quyết định sa thải với tôi là trái pháp luật; thay vào đó, công ty kết luận tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, và đòi tôi phải bồi thường thiệt hại cho công ty. Ngoài ra, công ty còn đòi khởi kiện tôi ra Tòa án nếu tôi không chịu bồi thường cho công ty (dù công ty còn nợ tiền lương tháng 12/2023 nhưng không chịu trả cho tôi).

Cho hỏi: Công ty ra Quyết định sa thải trái pháp luật rồi sau đó thu hồi thì có phải bồi thường gì cho tôi hay không?

Bạn đọc M.K hỏi

Ra quyết định sa thải trái luật rồi thu hồi: Công ty có phải bồi thường?
Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) giải đáp như sau:

Thứ nhất, pháp luật lao động hiện hành quy định rất chặt chẽ về việc xử lý kỷ luật lao động (phải đảm bảo về mặt hình thức lẫn nội dung) nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Có thể nói, quyết định sa thải trái pháp luật đối với người lao động không những ảnh hưởng đến công việc mà còn tác động không tốt đến tâm lý của người lao động.

Do đó, công ty ban hành quyết định sa thải trái pháp luật (dù sau đó đã thu hồi) đã gây ảnh hưởng đến người lao động nên công ty phải thực hiện nghĩa vụ theo Điều 41 của Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể như sau:

(i) Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động...

(ii) Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản (i) nêu trên thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động 2019 để chấm dứt hợp đồng lao động.

(iii) Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản (i) nêu trên và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động 2019, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Thứ hai, căn cứ Điều 127 của Bộ luật Lao động 2019, thậm chí trong trường hợp người lao động bị vi phạm nội quy lao động thì công ty cũng không được phép “giam lương” của người lao động.

Do đó, đến thời điểm hiện tại công ty không trả tiền lương tháng 12/2023 cho người lao động là hành vi vi phạm pháp luật (công ty buộc phải trả đủ tiền lương và khoản tiền đền bù do chậm trả lương theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 cho người lao động); ngoài ra, đối với vi phạm này công ty có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, dù công ty đã ra quyết định kỷ luật trái pháp luật, tuy nhiên, bạn cũng có mong muốn nghỉ việc nên tôi khuyến nghị hai bên nên ngồi lại thương lượng trong ‘dĩ hòa vi quý’ nhằm tránh tốn kém thời gian và chi phí của nhau.

Tuy nhiên, nếu công ty vẫn không chịu trả tiền lương còn thiếu mà còn khởi kiện ra tòa án yêu cầu chị bồi thường thiệt hại với lý do “người lao động đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” thì bạn có quyền làm đơn phản tố theo quy định tại Điều 200 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (trình bày rõ sự việc và căn cứ pháp lý như đã nêu ở trên) để Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm