Cứ mỗi dịp lễ, Tết thì đâu đó lại xuất hiện tình trạng "chặt chém" giá cả đối với du khách. Cho hỏi hành vi "chặt chém" du khách như vậy có bị xử lý hình sự không?
Bạn đọc Lê Minh, TP.HCM
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:
Hệ lụy của việc "chặt chém" làm xấu hình ảnh của các điểm đến du lịch. Từ tâm lý không thoải mái, du khách sẽ bị ác cảm với điểm du lịch, tâm lý e dè khi người thân hay bạn bè muốn đi họ sẽ cảnh báo. Từ đó sự hấp dẫn của điểm du lịch cũng mất.
Vấn nạn này nguyên nhân từ người cung cấp dịch vụ chưa nhận thức hết về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm về mặt pháp luật khi tham gia vào thị trường du lịch. Những năm gần đây tình trạng "chặt chém" ở những khu du lịch dịp nghỉ lễ cũng đã cải thiện tuy nhiên vẫn chưa đáng kể.
Để chấm dứt tình trạng chặt chém tại các điểm du lịch nên niêm yết giá công khai, thuận mua vừa bán và sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý, cần làm hết trách nhiệm để ngăn chặn tệ nạn này. Ngoài ra, cũng cần có những định hướng kinh doanh cho người dân song song với giáo dục về nhận thức, văn hóa ứng xử đối với du khách.
Về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi "chặt chém" du khách thì tùy hành vi mà có thể phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc nặng thì hình sự.
Ví dụ, hành vi chặt chém khách du lịch có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".
Cụ thể, nếu du khách báo án, trong quá trình điều tra xác định nếu có đủ bằng chứng, lời khai, có cơ sở xác định khi các du khách phản đối mức giá cao bất thường, không đồng ý trả tiền, cá nhân cung cấp dịch vụ có hành vi hăm dọa hoặc đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khiến cho du khách lo sợ cho tính mạng, sức khỏe, tinh thần nên buộc phải trả tiền thì có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản.