Tranh cãi quanh đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung nhóm không được trợ cấp thất nghiệp là người bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, tiếp tục đề xuất siết điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với những người nghỉ việc trái quy định và người bị đuổi việc do vi phạm quy định.

Bị đuổi việc, không được trợ cấp thất nghiệp sẽ thiệt thòi

Theo Luật Việc làm (sửa đổi), người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của Bộ luật Lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức.

Thêm vào đó, họ cũng không được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

Như vậy, dự luật đã bổ sung thêm đối tượng không được nhận trợ cấp thất nghiệp là người bị đuổi việc do vi phạm kỷ luật của đơn vị sử dụng lao động, hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

Góp ý về đề xuất trên, anh Nguyễn Văn Anh (ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho rằng Điều 35, Bộ luật Lao động quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi báo trước với chủ sử dụng lao động theo quy định.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp chủ sử dụng lao động không chấp thuận cho người lao động nghỉ việc vì một lý do nào đó khiến họ phải nghỉ việc mà không chờ sự chấp thuận của đơn vị quản lý.

Người lao động vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động tìm việc tại một ngày hội việc làm. (Ảnh minh họa: P.PHONG)

Theo anh Văn Anh, pháp luật cần quy định cụ thể rõ ràng vấn đề này, nếu không sẽ tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động chèn ép người lao động.

Manpower Group Việt Nam đề nghị xem xét quy định theo hướng “người thất nghiệp” là được hưởng, không phân biệt lý do. Dù bất kỳ lý do nào, khoản bảo hiểm này đều mang tính bù đắp cho khoản thu nhập bị mất do mất việc làm.

Đồng quan điểm, chị Trần Thị Phương (Hà Nội), cũng cho rằng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do người lao động đóng, khi thất nghiệp họ cần được hưởng. Thực tế, người lao động nghỉ việc có thể do họ cảm thấy không yêu thích công việc, hoặc có một sai sót gì đó, thậm chí bị “gài bẫy” dẫn đến bị sai thải.

“Nếu chỉ vì những nguyên nhân trên mà không cho họ hưởng trợ cấp thất nghiệp họ sẽ rất thiệt thòi, không ai muốn thất nghiệp để hưởng trợ cấp cả!” - chị Phương nói.

Hạn chế quyền hưởng sẽ gây tiêu cực đến đầu vào của quỹ

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết có rất nhiều người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do cá nhân. Chẳng hạn chuyển nơi ở, sức khoẻ không đảm bảo thực hiện công việc, có con nhỏ… Họ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa phù hợp.

“Trên thực tế rất khó xác định được các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động. Đa số chọn phương án tự xin nghỉ để tránh rắc rối liên quan đến pháp lý và đời tư. Chúng tôi cho rằng giữ như quy định hiện hành là phù hợp” - đơn vị này góp ý.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, cho rằng theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp nhất định. Việc đưa ra quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng thuộc trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Lao động.

Ngoài ra, có rất nhiều lý do dẫn đến việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. “Tuy nhiên, nếu họ không đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật thì vẫn cần được bảo vệ và được hưởng các quyền lợi có liên quan, bao gồm trợ cấp thất nghiệp…” - ông Hoè nêu.

Đồng tình, đại diện UBND tỉnh Kon Tum cho rằng người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp từ trích tiền lương theo quy định hằng tháng cho đến khi nghỉ việc. Do vậy, việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi chính đáng của họ, đặc biệt là người đã đóng bảo hiểm thất nghiệp thời gian dài.

"Nhiều người sau thời gian dài làm việc cần nghỉ ngơi, học tập để chuẩn bị cho công việc mới nên họ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động... Lúc này họ rất cần chế độ trợ cấp thất nghiệp để hỗ trợ cuộc sống”- đại diện UBND tỉnh Kon Tum dẫn chứng, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như hiện nay.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết người lao động bị sa thải thường khó tiếp cận việc làm mới do đơn vị sử dụng lao động sẽ căn cứ lý do sa thải để từ chối tiếp nhận lao động. Điều này gây khó khăn cho người lao động khi tìm việc làm chính thức và tham gia hệ thống BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Hiểu, thực tế không ít doanh nghiệp sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng. Có thể kể đến "mánh khóe" đẩy chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) lên mức không thể thực hiện được, ban hành nội quy trừ lương, thưởng và các khoản thu nhập khác khi không bảo đảm KPI, vi phạm các lỗi nhỏ trong quá trình làm việc... để trừ phần lớn lương, thưởng của người lao động. Từ đó ép họ đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Thậm chí, một số doanh nghiệp còn thực hiện các hành vi “giấu tay” như trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau về thông tin của người lao động khiến họ gặp khó khăn trong tìm công việc mới.

Theo pháp luật hiện hành, các hành vi kể trên của doanh nghiệp đều không vi phạm quy định pháp luật. Trong khi đó, dự thảo luật lại không cho phép người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian khó khăn tìm kiếm công việc mới là không bảo đảm mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Còn Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho hay người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp với nguyên tắc được bảo vệ khi thất nghiệp. Nếu họ không được hưởng là không hợp lý.

Về những vấn đề trên, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng cần phân biệt lý do chấm dứt hợp đồng lao động nhằm loại trừ các trường hợp bị sa thải do vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty như phá hoại, tự ý bỏ việc… để thực sự hỗ trợ cho người gặp rủi ro về việc làm, hạn chế lạm dụng chính sách.

“Thêm vào đó, bảo hiểm thất nghiệp dựa trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro, việc không loại trừ các trường hợp bị sa thải, xử lý kỷ luật vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa đúng với bản chất của bảo hiểm thất nghiệp …”- Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Từ năm 2010 đến hết năm 2020, số thu Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp luôn vượt số chi. Hết năm 2020, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần 90.000 tỉ đồng.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số chi bảo hiểm thất nghiệp cao hơn số thu rất nhiều. Các năm 2022 và 2023, số thu - chi bảo hiểm thất nghiệp đã tiệm cận nhau.

Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư quỹ khoảng 59.357 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm