Nhiều nhân sự sau khi nghỉ việc thường lên các hội nhóm Facebook "Bóc phốt" công ty về môi trường làm việc, lương, thưởng... nhưng nhiều khi không có căn cứ, thậm chí tiết lộ bí mật của công ty xuất phát từ mục đích tư thù cá nhân đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín, chất lượng tuyển dụng nhân sự mới. Xin hỏi hành vi bóc phốt công ty trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Bạn đọc Hồ Hương (TP.HCM)
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:
Mỗi công dân đều có quyền trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân của mình nhưng không không được trái quy định của pháp luật; trong đó không được tổn hại đến danh dự, uy tín cũng như lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác. Do đó hành vi "bóc phốt", nói xấu thậm chí tiết lộ bí mật về công ty cũ sau khi nghỉ việc nếu có dấu hiệu vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022 quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi sau cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Đối với bí mật kinh doanh, việc tiết lộ là hành vi bị cấm. Trường hợp tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty thì cá nhân có thể bị xử phạt từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng (theo điểm b Khoản 1 Điều 16 Nghị định 75/2019, khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019).
Bên cạnh đó, trong trường hợp việc “bóc phốt” gây thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì người “bóc phốt” có thể bị kiện và phải bồi thường các khoản như Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường...
Đáng chú ý, nếu “bóc phốt” sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người “bóc phốt” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống...
Do đó, thay vì "bóc phốt" công ty cũ trên mạng xã hội, người lao động có thể thông báo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi có dấu hiệu tội phạm của cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền.