Chiều 5-8, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi khảo sát việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và CCCD đối với các nhóm trẻ, thanh niên (16-18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn quận Tân Bình, Gò Vấp và huyện Nhà Bè.
Phó Ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Minh Nhựt, cho biết việc rà soát các đối tượng trẻ yếu thế chưa được cấp giấy tờ tùy thân, để các cơ quan cùng ngồi lại, bàn cách để giúp chính quyền địa phương cấp giấy tờ cho các em là rất quan trọng.
Báo cáo tại đây, quận Gò Vấp cho biết địa bàn còn 8 trường hợp trẻ nằm trong đối tượng khảo sát chưa được cấp CCCD. Trong số đó, có em bị cha mẹ bỏ rơi, có giấy khai sinh nhưng chưa có mã định danh.
Cũng có trường hợp là ba anh em (sinh năm 2008, 2009, 2010) cùng mẹ khác cha chưa có giấy khai sinh (mẹ không có giấy tờ tùy thân); hai chị em ruột có mẹ thuộc diện sống lang thang, cha đã xóa hộ khẩu, chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú lại…
Để hỗ trợ các em, phía công an phường, quận Gò Vấp đã liên hệ với công an các tỉnh, thành để xác minh thông tin, thân nhân của các em để sớm cấp CCCD nhưng vẫn chưa thể.
Phía quận Tân Bình cho biết địa phương không ghi nhận trường hợp nào chưa được cấp CCCD.
Quận Tân Bình hiện có hai cơ sở trợ giúp trẻ em, qua rà soát có một trường hợp đã có giấy khai sinh nhưng chưa có mã định danh. Hiện, quận đang phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết, hoàn tất hồ sơ gửi cơ quan thụ lý.
Còn huyện Nhà Bè hiện vẫn còn 16 trường hợp ở các xã Phước Lộc, Long Thới, Phú Xuân và thị trấn Nhà Bè chưa có CCCD; do gia đình chưa chịu làm, do chưa có giấy khai sinh, chưa thực hiện đăng ký thường trú.
Tại buổi giám sát, cán bộ Phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM đã nêu cụ thể phương án tháo gỡ cho từng trường hợp.
Nói thêm, Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP.HCM mong các cấp quận, huyện có sự quan tâm, rà soát về các đối tượng yếu thế.
Phó Ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Minh Nhựt cho rằng quận Gò Vấp tiếp tục phối hợp tích cực với các cơ quan để sớm giải quyết các trường hợp kể trên. Theo ông, việc phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh, thành khác phải có văn bản để có cơ sở pháp lý rõ ràng chứ không chỉ trao đổi qua điện thoại.
Với 8 trường hợp này, ông cũng yêu cầu rà soát xem có nằm trong trường hợp nhân khẩu đặc biệt hay không. Vì hiện nay, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM đã có kế hoạch, lập tổ công tác 1878 (là cơ quan thường trực) để giải quyết việc cấp mã số định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM.
“Quá trình giải quyết nếu còn khó khăn thì cứ tiếp tục báo cáo lên, mục đích cuối cùng là làm sao để đảm bảo quyền lợi của các em” - ông Nguyễn Minh Nhựt yêu cầu.
Ông cũng mong lãnh đạo quận, huyện tiếp tục quan tâm, rà soát tất cả đối tượng đặc thù, trẻ yếu thế, trẻ lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
“Nếu làm tốt thì hiệu suất, hiệu quả quản lý nhà nước sẽ rất tốt, cũng phần nào giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng xã hội cho các đối tượng này” - Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM chia sẻ.