Dự kiến nếu quyền phòng vệ tập thể được thông qua (sớm nhất vào cuối năm nay), chính phủ Nhật sẽ có đề xuất mới về thực hiện quyền phòng vệ tập thể này.
Theo tạp chí The Diplomat(Nhật), hồi giữa tháng 5, ban cố vấn do Thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm đã trình báo cáo thực thi quyền phòng vệ tập thể. Báo cáo xác định bảo vệ quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là yếu tố then chốt để sử dụng quyền phòng vệ tập thể.
Báo cáo gồm sáu điểm với ba điểm có điều kiện và ba điểm mang tính thủ tục. Ba điểm có điều kiện gồm: Đồng minh thân cận của Nhật bị tấn công; tồn tại mối đe dọa an ninh nếu lực lượng phòng vệ Nhật rút lui; nước khác bị tấn công yêu cầu Nhật giúp đỡ. Ba điểm mang tính thủ tục gồm: Thủ tướng quyết định sử dụng lực lượng; Quốc hội thông qua quyết định của thủ tướng và nước thứ ba cho phép Nhật điều động lực lượng phòng vệ qua lãnh thổ khi có sự cố.
Đảng Dân chủ tự do (LDP) và đảng Công minh mới (New Komeido) đang tiếp tục thảo luận về quyền phòng vệ tập thể. Mỗi đối tác trong liên minh cầm quyền có ý kiến khác nhau.
Đảng Công minh mới muốn trước tiên phải làm rõ căn cứ pháp lý để lực lượng phòng vệ thực hiện quyền phòng vệ tập thể bởi hiện nay không có quy định pháp luật về cách thức lực lượng phòng vệ phải xử lý khi xảy ra sự cố như tàu Trung Quốc xâm phạm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. LDP lại muốn mở rộng giới hạn trong hiến pháp. Với hai quan điểm này, rất khó đạt được đồng thuận về quyền phòng vệ tập thể.
Trả lời báo Japan Times (Nhật), nguyên Phó Đô đốc Yoji Koda nhận định theo pháp luật hiện hành, nếu có tên lửa đạn đạo nhắm vào tài sản của Mỹ thì Nhật cũng không có quyền đánh chặn.
Một số nghị sĩ đối lập đã phản đối Nhật có quyền phòng vệ tập thể. Nghị sĩ Katsumasa Suzuku cho rằng nâng giới hạn quyền phòng vệ tập thể sẽ đưa Nhật trở lại khái niệm trước Chiến tranh thế giới thứ hai vốn đã từng khiến Nhật bị tàn phá. Một số quan chức lại cho rằng quyền phòng vệ tập thể chỉ đơn giản là bình thường hóa quan hệ đồng minh với Mỹ và Mỹ phải có nghĩa vụ bảo vệ Nhật nếu Nhật bị tấn công.
Trung Quốc đương nhiên không đồng ý Nhật nâng giới hạn quyền phòng vệ tập thể. Trung Quốc tuyên bố Thủ tướng Shinzo Abe đang có những bước đi chưa từng có tiền lệ về an ninh, quân sự và cần phải cảnh giác. Theo tạp chíThe Diplomat, hiện thời nếu xét về lý thuyết, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe có đủ khả năng chính trị để Quốc hội chấp nhận mở rộng quyền phòng vệ tập thể của Nhật.
DUY KHANG