'Ráng cai nghiện về với con, phụ bà xã bán cơm!'

Anh NTV nghẹn ngào. 10 tháng đến học tập tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 cũng là chừng ấy thời gian anh chưa được gặp lại vợ con.

Đoàn UBND TP.HCM tới thăm chúc Tết, tặng quà tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1.

Ngày 25-1, chúng tôi theo đoàn UBND TP.HCM về thăm chúc Tết, tặng quà tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 (Đắk Nông).

Đây là cơ sở đang quản lý 1.340 học viên, trong đó có 1.324 học viên TP.HCM, 16 học viên tỉnh Đắk Nông.

Mỗi học viên đến đây với những câu chuyện khác nhau: Người vì bạn bè rủ rê, người vì cha mẹ tử nạn, người bị người yêu bỏ nên sa vào con đường ma túy… Rất nhiều học viên mới 19, 20, tuổi đời còn rất trẻ.

Anh là NTV, người ở Tân Phú. Bà xã anh làm nghề bán cơm. Anh đã có hai bé gái: Bé đầu bốn tuổi, bé sau mới hai tuổi. Anh cười khoe bé út giống ba như lột. “Bà xã đang về ở bên ngoại. Đợt này đi ráng cai nghiện cho xong rồi về với con, phụ bà xã bán cơm!” - anh V. lặng lẽ cúi đầu.

“Đây là lần thứ hai mình vào đây rồi. Lần đầu vì người yêu bỏ, mình 28 tuổi, cô ấy 25. Bạn bè hồi đó rủ rê nhưng mình đâu chơi, sau này đúng đợt thất tình nên bập vào, thử chút rồi dính. Đi cai xong, về nghĩ chắc chắn sẽ tu chí làm ăn, ai dè lại… tiếp tục chơi với bạn, nghĩ chỉ một lần này nữa thôi, đâu ngờ… Giờ cô ấy có chồng rồi. Thôi, đợt này về rồi dứt hẳn, vì mình, vì ba mẹ, ba mẹ mình lớn tuổi rồi” - anh NCH, một học viên khác, kể chuyện.

Báo cáo về kết quả thực hiện, lãnh đạo cơ sở cai nghiện ma túy số 1 cho biết đơn vị đã tổ chức hai lớp giảng dạy xóa mù chữ cho 54 học viên, khai giảng 15 lớp xóa mù chữ và tiếp tục sau biết chữ cho hơn 400 học viên. Về công tác dạy nghề, cơ sở đã tổ chức học tập cho 34 lớp học nghề/901 học viên tham gia với đa dạng ngành nghề: may công nghiệp, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, lắp ráp, sửa chữa máy tính…

Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đánh giá cao những thành tích mà cơ sở cai nghiện ma túy số 1 đã làm được, đặc biệt bà nhấn mạnh việc lì xì cho các học viên đang theo học là việc làm rất ý nghĩa, riêng biệt tại cơ sở này và cần nhân rộng.

“Một, hai trăm ngàn không nhiều nhưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn để các em có cảm giác như đang đón Tết ở nhà, đón Tết cùng với những người thân trong gia đình” - bà Thu nói. Tuy nhiên, bà góp ý nên 100% hội viên đều được lì xì thay vì chỉ những người chưa lập gia đình như hiện tại. “Gia đình tôi có phong tục đón giao thừa xong sẽ ăn chè cho chút ngọt ngào đầu năm. Sau đó mẹ tôi sẽ mừng tuổi, năm nhiều 100.000, 200.000 nhưng thường 50.000 thôi, lấy hên đầu năm, các con cháu đều có, ai cũng có mới vui!” - Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu kể chuyện.

Nên để người cai nghiện thành công về nhà ngày 30 Tết

 Với những trường hợp các em được thưởng, được phép về sớm, có em về 28, 29 có học viên về mồng 2, mồng 3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đồng ý với đề xuất của lãnh đạo cơ sở cai nghiện ma túy số 1 nên giải quyết cho các em về ngày 30 để các em được hưởng cái Tết trọn vẹn.

Thực tế nhiều gia đình có suy nghĩ đầu năm đến những nơi này không hên nên để con em mình tự về. “Quan trọng nhất là ngày đó các em có người thân đón, để các em về đúng địa điểm. Ngày Tết mùng 2 đâu mấy ai lên đây đón, buồn lắm. Thử nghĩ xem như vậy các em có về nhà không, hay vừa đến bến xe có “người đón rồi”, rồi lại chơi tiếp nghiện tiếp rồi lại quay trở lại…” - bà Thu trăn trở.

_______

Chiều 25-1, đoàn UBND TP.HCM về thăm chúc Tết, tặng quà tại cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Dưới đây là một số hình ảnh:

Tết đang về rất gần tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh thăm động viên, chúc Tết các học viên.

Tặng quà, thăm hỏi cán bộ tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1.

Đoàn UBND TP.HCM về thăm chúc Tết, tặng quà tại cơ sở cai nghiện ma túy số 2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm