Tôm hùm đất (crawfish) là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại bị cấm nhập và buôn bán ở Việt Nam, nhưng thời gian gần đây chúng vẫn được rao bán công khai trên các hội nhóm của mạng xã hội.
Tôm hùm đất được rao bán công khai
Chỉ cần gõ từ khóa tôm hùm đất trên các thanh công cụ tìm kiếm hoặc mạng xã hội Facebook, hàng loạt các bài đăng rao bán tôm hùm đất xuất hiện.
Theo giới thiệu của người bán, loại tôm này có nguồn gốc từ Trung Quốc và nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Đáng chú ý, tôm hùm đất khi giao tới tay người mua sẽ còn sống và bán với giá 360.000 - 380.000 đồng/kg tùy kích cỡ.
Một số điểm bán cho biết, nếu mua 5kg trở lên giá chỉ còn 260.000-280.000 đồng/kg. Hàng tươi sống được đóng sẵn vào túi lưới, cho vào thùng xốp có đá lạnh.
"Năm ngoái tôm có giá lên đến nửa triệu đồng/kg, năm nay giá giảm mạnh, rẻ hơn tôm sú nên người dân trong nước rất ưa chuộng. Loại tôm này rất khỏe, sống được 5-7 ngày thuận tiện cho vận chuyển xa, người dân cũng có thể mua và bảo quản ăn dần”- một người bán có tên T.N trên Facebook nói.
Trước câu hỏi: Liệu có biết loại tôm này đang bị cấm kinh doanh ở Việt Nam hay không, hầu hết các điểm bán loại tôm này đều không nắm rõ quy định.
"Tôi thấy mối buôn mời hàng và người dùng cũng hỏi, nên nhập về bán, chứ cũng không biết cấm hay không. Đa phần tôm đều nhập tiểu ngạch và loại tôm này cũng phải đặt hàng trước 2 - 3 hôm mới có hàng"- người bán tên T.N cho biết
Không chỉ các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, tôm hùm đất còn được bán tại các nhà hàng, vựa hải sản.
Ghi nhận tại một nhà hàng trên đường Kỳ Đồng, quận 3 (TP.HCM), tôm hùm đất được chế biến sẵn và bán theo từng vị. Trung bình một set tôm hùm đất chế biến sẵn, đóng hộp với giá 290.000 - 700.000 đồng.
Nhà hàng này thông tin, 1 kg tôm hùm đất đã chế biến sẵn sẽ được 35-37 con, khách mua về chỉ cần quay lò vi sóng mấy phút là có thể dùng ngay.
Phạt nặng với hành vi kinh doanh tôm hùm đất
Trao đổi với PLO, Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này quy định rõ: Ngoại trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, người nào có hành vi nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu - 50 triệu đồng.
Kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tái xuất giống thuỷ sản, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy giống thủy sản.
Luật sư Thắng Ý cũng bày tỏ thêm quan điểm, ngoài xử phạt hành chính, việc nhập khẩu phát tán các loài ngoại lai xâm hại cũng có thể đối diện với xử phạt hình sự.
"Theo quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại” thì người nào có hành vi nhập khẩu trái phép loài động vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại thì có thể sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể phạt tiền 100 triệu - 1 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm"- ông Ý nói.