Rất phản cảm khi gọi người đẹp là 'chân dài'

Sáng 14-7, tiếp tục phiên họp thứ 46, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động biểu diễn.

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang được điều chỉnh bởi Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016. Tuy nhiên các quy định đã và đang phát sinh một số hạn chế, vướng mắc. 

Ông Thiện dẫn chứng: Quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác như xuất, nhập cảnh; lao động; thương mại; thi đua, khen thưởng... Điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo giữa các quy định để trục lợi.

“Biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn” - ông Thiện nói và nhấn mạnh việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là cần thiết, phù hợp.

Dự thảo nghị định gồm 6 chương 31 điều. Một trong những điểm mới đáng chú ý là “không quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết những nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định trong điều lệ, quy chế và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.

Ngoài đáp ứng các tiêu chí của Ban tổ chức cuộc thi, thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu phải đáp ứng điều kiện “không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.

Liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu, ông Thiện cho biết do còn ý kiến khác nhau, Bộ VH-TT&DL đã báo cáo xin ý kiến thành viên Chính phủ hai phương án. 

Phương án 1, Bộ VH-TT&DL quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn. Lý do nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập như hiện nay.

Phương án 2, tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm.

Bộ trưởng Thiện nhận định phương án 2 có thể kiểm soát được số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng việc kiểm soát số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu chưa hợp lý với mục tiêu quản lý, dễ tạo cơ chế xin cho hoặc tổ chức “chui” như hiện nay.

Các doanh nghiệp luôn tìm cách xin Bộ VH-TT&DL cấp phép nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi tài trợ, bảo hộ độc quyền và trục lợi từ danh hiệu của cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Nêu kết quả lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, ông Thiện cho hay 20/23 thành viên Chính phủ chọn phương án 1 và 23/23 thành viên biểu quyết thông qua nội dung dự thảo.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng thời gian qua, hoạt động thi người đẹp, người mẫu diễn ra khá sôi động, ở cả Trung ương và địa phương với quy mô, cách thức tổ chức, tiêu chí đánh giá tương đối đa dạng, phong phú. 

Ủy ban lưu ý Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về điều kiện, năng lực tổ chức, quản lý; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn đạo đức của người tham dự, nhằm bảo đảm các cuộc thi đạt được tiêu chí, mục đích hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

Cân nhắc chuyển một số nguyên tắc hoạt động biểu diễn thành “điều cấm”

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét hoạt động nghệ thuật thời gian qua mang lại rất nhiều “trái ngọt” nhưng cũng không thiếu “trái đắng”.

Theo ông Hiển, không thiếu hoạt động biểu diễn lệch lạc, chạy theo thị hiếu, chạy theo cơ chế thị trường, phản ánh méo mó cuộc sống… làm cho những người thụ hưởng, những người có nhận thức tốt cảm thấy đau lòng.

Rất phản cảm khi gọi người đẹp là 'chân dài' ảnh 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Hiển đề nghị cân nhắc chuyển một số “nguyên tắc hoạt động biểu diễn” đang quy định trong dự thảo thành “điều cấm”.

“Biểu diễn chống chế độ thì đây là điều cấm chứ không phải là nguyên tắc. Hay xâm phạm đến văn hoá, tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục thì phải là điều cấm…” - ông Hiển dẫn chứng.

Ông Hiển sau đó cũng nêu một số việc ông cho là “rất phản cảm”. “Nói về người phụ nữ tại sao lại cứ phải nói là “chân dài” mà phụ nữ cũng không có phản ứng gì cả. Phải thấy xúc phạm chứ!” - ông Hiển nói và đề nghị cần quy định những nội dung trên là điều cấm, vi phạm phải có chế tài xử lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận xét các cuộc thi người đẹp vừa qua “loạn quá”.

“Không cẩn thận trở thành ngành kinh doanh béo bở, vì mục tiêu lợi nhuận, không chính đáng làm méo mó đi hoạt động thi người đẹp, người mẫu. Các đồng chí ngẫm mà xem, gần như không có cuộc thi người đẹp, người mẫu nào mà không có lùm xùm, rất tốn giấy mực trên báo chí” -  ông Hiển nói và đề nghị nên có kiểm soát, không nên phân cấp cho địa phương. 

 Chính thức khởi động cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm