Ngày 24-6, hãng tin Reuters cho biết mình vừa thu thập được một tài liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ xác định tập đoàn công nghệ Huawei có nhận sự hậu thuẫn từ quân đội Trung Quốc.
Tài liệu liệt kê 20 công ty bị cáo buộc là "thuộc sở hữu hoặc chịu sự kiểm soát" của quân đội Trung Quốc.
Ngoài Huawei, một số cái tên nổi bật trong danh sách này bao gồm Tập đoàn Truyền thông di động Trung Quốc (China Mobile), Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (China Telecom), Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc hay công ty sản xuất camera giám sát Hikvision.
Logo Huawei trên một thiết bị công nghệ xuất khẩu sang Anh. Ảnh: REUTERS
Một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận tính xác thực của tài liệu này và cho biết tài liệu đã được gửi đến Quốc hội Mỹ.
Theo Reuters, tài liệu này mở đường cho việc Mỹ lệnh trừng phạt Huawei cũng như các công ty có tên trong danh sách.
Tài liệu không nêu hình phạt đối với các công ty "thuộc sở hữu hoặc chịu sự kiểm soát" của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên tài liệu viện dẫn một đạo luật được ký từ năm 1999 cho phép tổng thống Mỹ phong tỏa tài sản của các doanh nghiệp này.
Hiện Nhà Trắng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ và các công ty bị nêu tên trong danh sách chưa có bình luận về thông tin này của Reuters.
Ngày 24-6, cựu sĩ quan lục quân - thượng nghị sĩ Tom Cotton và cựu nhân viên phản gián thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ - nghị sĩ Mike Gallagher (cùng thuộc đảng Cộng hòa) ra tuyên bố chung tán dương Lầu Năm Góc vì đã công bố danh sách 20 công ty trên.
Tháng 9-2019, hai nghị sĩ này cùng ký tên trong bức thư của lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ -thượng nghị sĩ Chuck Schumer gửi Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại việc các công ty Trung Quốc có các hoạt động quân sự dưới vỏ bọc dân sự.
Cùng ngày 24-6, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cho rằng việc ra danh sách này chưa đủ để cảnh báo người dân Mỹ về các hành vi "đe dọa an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ" từ những công ty Trung Quốc.
Ông Rubio là một trong những người sáng lập Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một tổ chức mong muốn thể hiện "lập trường cứng rắn hơn" trước Bắc Kinh. Theo thông báo gần đây nhất được IPAC công bố ngày 11-6, hơn 100 nhà lập pháp thuộc 13 nước khác nhau đã tham gia liên minh này.
Từ năm ngoái, Huawei đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen và chịu một số lệnh trừng phạt của Washington. Giám đốc tài chính của tập đoàn này, bà Mạnh Vãn Châu đang bị xét xử ở Canada và có khả năng bị dẫn độ sang Mỹ.