Nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận cho biết anh đã mất chín tháng cho quyểnSài Gòn chuyện đời của phố - tập 3 này. Và đây là cuộc giao lưu anh thích nhất, thú vị nhất vì không những nghe được nhiều chuyện mà còn được trao đổi nhiều điều về Sài Gòn với nhiều người.
Nhiều thế hệ bạn đọc đến tham dự buổi giao lưu, xin chữ ký nhà văn Phạm công Luận vì cùng quan tâm đến Sài Gòn
Người kể chuyện Sài Gòn
Trả lời câu hỏi khái quát thế nào là chất Sài gòn, người Sài Gòn, nhà văn Phạm Công Luận cho biết anh rất sợ những câu hỏi khái quát mà: “Tôi chỉ là người kể chuyện về Sài Gòn, kể hết chuyện này thì kể sang chuyện khác. Mỗi chuyện kể của tôi như một miếng tranh nhỏ về sinh hoạt, đời sống, con người Sài Gòn. Nhiều câu chuyện sẽ ghép thành một bức tranh lớn về Sài Gòn”.
Thế nên trong Sài Gòn chuyện đời của phố tập 3, Phạm Công Luận kể chuyện Sài Gòn qua câu chuyện của những di dân các tỉnh lỵ về Sài Gòn phồn hoa. Nhà văn nói rằng: "Những người di dân đến Sài Gòn luôn phát hiện những điều thú vị mà những người sống ở đô thị này từ nhỏ đến lớn cũng không nhận ra được”.Đó là một Sài Gòn sang trọng, hoa lệ trong lời kể của chàng thanh niên Lý Thân - cậu ấm trong một gia đình ở Lái Thiêu (Bình Dương), thông qua chuyến lang thang khám phá của mình trên đường phố Sài Gòn trước 1954. Còn Sài Gòn trong mắt người miền Trung cách nay hơn 70 năm trước là: “... Nhà cửa phố xá đông nghẹt, có nhà lầu cao ba tầng, có đường đi rộng rãi ba thước, trên bộ xe hơi chạy boong boong, dưới nước tàu thủy chạy vù vù, tối về đèn điện thắp sáng choang như ban ngày, ông Tây bà đầm ôm nhau đăng-xê coi vui mắt quá chừng! Thật là văn minh quá sức tưởng tượng của dân An nam ta...”. Sài Gòn qua lời kể trong sách còn là nơi những người nghèo chí thú làm ăn và giỏi tích cóp như “chú Chệc bán đậu phộng rang”, “cánh xe ôm uống cà phê vợt đọc nhật trình” hay cư dân góc xóm Đa Kao… Họ không giàu có nhưng có thể tồn tại an nhiên và phong lưu, giữ bản sắc, nguồn gốc của mình ngay tại Sài Gòn xưa. Sài Gòn xưa trong sách hiện ra trong sinh hoạt những ngày trước tết của một gia đình gốc người Hà Nội đến sống ở cổng xe lửa số 7, quận Phú Nhuận với sự tinh tế, nhẹ nhàng, thoảng hương hoa thủy tiên trong nỗi nhớ quê xưa rưng rưng ký ức.
Hình ảnh thực của Sài Gòn xưa trong Chuyện đời của phố tập 3 còn có ở những ký họa của PV Mỹ Dick Adair ghi nhận cảnh người Sài Gòn giặt đồ, nghe radio và mùi nước mắm đang xào nấu trên bếp, trong khi bên kia sông máy bay đang nã đạn. Quyển sách còn chứa nhiều hình ảnh các nghệ sĩ, ca sĩ nổi danh của Sài Gòn thời 18 đôi mươi của nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu như: Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Trang Bích Liễu, Giao Linh, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền, Ngọc Đức…
Bạn trẻ hãy nhận trách nhiệm gìn giữ Sài Gòn
Đã có nhiều bạn trẻ nói giọng miền Trung, miền Bắc đặt câu hỏi về Sài Gòn cho tác giả quyển sách như: Điều gì làm nên Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông? Khí chất Sài Gòn, người Sài Gòn xưa và nay khác nhau thế nào? Họ bày tỏ những ngạc nhiên khi nhờ các quyển sách của nhà văn mà biết rằng ngày trước ở Sài Gòn đã có những siêu thị hiện đại, có những buổi biểu diễn thời trang mặc toàn hàng nội…
Từ đây, nhiều so sánh giữa Sài Gòn trước đây và Sài Gòn hôm nay so với các TP của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… đã được các bạn trẻ và cả những người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, nay tóc đã điểm bạc chia sẻ. Họ đặt ra câu hỏi là làm sao để giữ cho được những gì đẹp đẽ còn lại của Sài Gòn, cũng như làm thế nào để Sài Gòn tiếp tục phát triển.
Nhà văn Phạm Công Luận bày tỏ: “Con của tôi còn nhỏ, tôi viết những quyển sách này như một cách gìn giữ lại Sài gòn trong ký ức cho con tôi. Lớn lên con tôi sẽ đọc để biết có một Sài Gòn của cha mẹ mình như thế”. Tham dự buổi giao lưu, nhà báo Phúc Tiến - một người Sài Gòn gốc cho rằng: “Những bạn trẻ hôm nay yêu mến Sài Gòn, sinh sống ở Sài Gòn chính là những người nhận lãnh trách nhiệm gìn giữ lại những di sản đẹp đẽ còn lại của Sài Gòn và có trách nhiệm làm cho Sài Gòn không tụt hậu, tiếp tục phát triển so với các thành phố khác trong khu vực. Sài Gòn hôm nay có xứng với cái tên Hòn Ngọc Viễn Đông hay không phụ thuộc vào hành động của các bạn trẻ.