Theo phản ánh của người dân, tình trạng cá chết vào sáng 4-4 xuất hiện nhiều ở đoạn thượng nguồn, nơi nước kênh có màu nâu đen và mực nước thấp hơn những đoạn khác.
“Nước kênh có dấu hiệu ô nhiễm gia tăng sau những cơn mưa trái mùa vừa qua”, một người dân sống gần cầu số 5, đoạn gần đường Lê Bình (quận Tân Bình) phản ánh.
Cá chết ở đoạn kênh ô nhiễm thượng nguồn sáng nay. Ảnh: CTV
Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị cho biết có tình trạng cá chết trong buổi sáng 4-4 nhưng không nhiều.
Ông Nguyễn Hữu Long Giao, Giám đốc Xí nghiệp Trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết sau những cơn mưa vừa qua đơn vị này đã lấy mẫu nước phân tích và xác định hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn bình thường.
“Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá trên kênh góc đầu nhiều để thở. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi số cá chết rất ít, không đáng kể” - ông Giao nói.
Công nhân của Công ty Môi trường Đô thị vớt xác cá chết sau mưa. Ảnh: CTV
Theo ông Giao, để hạn chế tình trạng nước ô nhiễm sau mưa, đơn vị sẽ tập trung vận hành thu gom nước “chết” (nước ô nhiễm ở đáy kênh) và tăng cường đưa nước sông vào thau rửa.
Về những giải pháp lâu dài để giảm ô nhiễm trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm nạo vét kênh đoạn thượng nguồn.
Trong khi đó, phương án bơm khí oxy cho cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không được Sở TN&MT chấp thuận.
Theo Sở TN&MT, việc cung cấp khí oxy cho cá chi phí đầu tư lên đến 134 tỉ đồng, chi phí vận hành hết 99 triệu đồng/ngày nhưng hiện có thể bị hạn chế do mực nước kênh không đảm bảo.