An ninh ở Trung Đông dự kiến là chương trình nghị sự chi phối tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74 sắp diễn ra ở New York (Mỹ) khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trước cuộc họp, theo kênh Al Jazeera.
Mỹ và Iran dự kiến trình bày tầm nhìn đối lập của họ về an ninh Trung Đông tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần này, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới ngày 24-9 và Tổng thống Iran Hassan Rouhani một ngày sau đó, tức 25-9.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Khi căng thẳng tiếp tục sục sôi sau các cuộc tấn công vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia hôm 14-9 và cuộc khẩu chiến giữa Washington và Tehran, các nhà lãnh đạo thế giới hy vọng ngoại giao sẽ thắng thế.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Rouhani ngày 23-9 vẫn tiếp tục cuộc khẩu chiến, nói rằng cuộc tấn công ở Saudi Arabia đang được sử dụng như một cái cớ bởi Mỹ muốn “kiểm soát khu vực (Trung Đông)”.
Ông Rouhani lên án Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới vào Iran, gọi động thái này là “tuyệt vọng”.
“Người Mỹ đang trừng phạt các tổ chức đã bị đưa vào danh sách đen. Điều này báo hiệu sự tuyệt vọng hoàn toàn của Mỹ và cho thấy chiến lược “gây sức ép tối đa” của Mỹ đã thất bại… bởi quốc gia Iran vĩ đại đã phản kháng thành công”, ông Rouhan tuyên bố trong một bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình nhà nước.
“Khu vực trở nên căng thẳng… Họ tuyên truyền về sự phá hủy (tại các cơ sở dầu của Saudi Arabia) vốn chỉ có thể được khôi phục sau hai tuần… bởi vì Mỹ muốn kiểm soát khu vực”, Tổng thống Iran nói trước khi bay sang New York tham dự cuộc họp của Liên Hiệp Quốc.
Ngoại giao vùng Vịnh?
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lần nữa phủ nhận trách nhiệm của Iran trong vụ tấn công nhà máy dầu ở Saudi Arabia.
“Nếu Iran đứng sau cuộc tấn công này thì nhà máy lọc dầu này sẽ chẳng còn lại gì”, ông Zarif nói với báo giới ở New York ngày 23-9.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22-9 bỏ ngỏ khả năng về một cuộc gặp đột xuất với ông Rouhani bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
“Không có gì từng được thảo luận, nhưng tôi không có ý định gặp Iran và điều đó không có nghĩa là không xảy ra. Tôi là người rất linh hoạt”, ông Trump nói.
Một cuộc tập trận của Iran tại eo biển Hormuz. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Iran Zarif nói với CNN rằng Tổng thống Rouhani sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Mỹ trong tuần này với điều kiện Tổng thống Trump sẵn sàng làm những gì cần thiết.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 22-9, ông Rouhani nói rằng Iran đang mở rộng “vòng tay tình bạn và tình anh em” đối với các quốc gia láng giềng để đảm bảo an ninh vùng Vịnh và eo biển Hormuz – cửa ngõ quan trọng cho công nghiệp dầu toàn cầu.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran cũng cảnh báo các lực lượng nước ngoài “tránh xa” khu vực.
Ông Trump sẵn sàng lắng nghe sáng kiến hòa bình của ông Rouhani
Tổng thống Trump ngày 22-9 cho hay ông không có kế hoạch gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, nhưng sẵn sàng lắng nghe “Sáng kiến Hòa bình Hormuz” của ông ấy tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
“Tôi luôn sẵn sàng. Tôi không có kế hoạch gặp họ, nhưng tôi luôn sẵn sàng”, Tổng thống Trump nói ngày 22-9 ở Houston khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng lắng nghe kế hoạch của ông Rouhani hay không.
Tổng thống Iran Rouhani đã đến New York để tham dự cuộc họp lần 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Theo hãng tin IRNA, ông Rouhani ngày 23-9 cho hay Iran hy vọng chuyển tải thông điệp của các quốc gia trong khu vực về hòa bình và sự ổn định, bao gồm chấm dứt mọi sự can thiệp vào vịnh Ba Tư nhạy cảm và Trung Đông, đến với thế giới.
Tổng thống Iran Rouhani yêu cầu các lực lượng nước ngoài tránh xa khu vực. Ảnh: REUTERS
“Tôi cũng sẽ truyền tải thông điệp của quốc gia Iran cho cộng đồng quốc tế. Người dân Iran đang chịu đựng một cuộc chiến kinh tế tàn khốc. Iran là một quốc gia bền bỉ và muốn mọi người quay trở lại những cam kết và luật pháp của họ”, ông Rouhani tuyên bố.
Tổng thống Iran dự kiến phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 25-9. Ông Rouhani sẽ đề xuất ý tưởng “Hòa bình Hormuz”, sáng kiến nhằm giảm leo thang căng thẳng tại Vịnh Ba Tư.
Theo ông Rouhani, Sáng kiến Hòa bình Hormuz (HOPE) được thiết kế bao gồm tất cả quốc gia trong khu vực và nhằm mở rộng hợp tác ngoài vấn đề an ninh khu vực còn các vấn đề kinh tế và các vấn đề khác.
“Chúng tôi tin giải pháp cho khu vực phải đến từ bên trong khu vực và những ai đến từ bên ngoài không bao giờ có thể mang lại hòa bình và an ninh”, ông Rouhani nói ngày 23-9.
Viện dẫn các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở Trung Đông làm ví dụ, ông Rouhani nói rằng từ khi bước chân vào khu vực năm 2001, Mỹ thất bại trong việc mang bình yên trở lại cho bất kỳ quốc gia nào mà nước này đã điều quân tới.