Sẵn sàng khởi công đường vành đai 4 - vùng thủ đô

(PLO)- Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định cho đến thời điểm này dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô đã sẵn sàng các điều kiện để khởi công theo lịch dự kiến vào ngày 25-6.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, vừa dẫn đầu đoàn công tác của TP đi kiểm tra công tác chuẩn bị khởi công dự án. Dự kiến lễ khởi công dự án sẽ diễn ra vào ngày 25-6.

Giải phóng mặt bằng hơn 81,6%

Đoàn công tác của TP đã kiểm tra thực tế tại hai điểm dự kiến khởi công. Điểm số 1 tại giao cắt giữa đường vành đai 4 với đường gom đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Điểm số 2 tại giao cắt giữa đường vành đai 4 với đường trục phía nam, thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

Điểm khởi công tại huyện Hoài Đức. Ảnh: TP

Điểm khởi công tại huyện Hoài Đức. Ảnh: TP

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (chủ đầu tư dự án), cho biết đến nay bảy quận, huyện có dự án đi qua đã bàn giao mặt bằng được 651,33 ha/798,043ha (đạt 81,62%), vượt kế hoạch và cam kết. Tổng số tiền đã phê duyệt để chi trả bồi thường hỗ trợ là 4.626,79 tỉ đồng.

Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự án đường song hành đã hoàn tất và đang tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công để tổ chức phê duyệt triển khai thi công ngay sau khi khởi công dự án. Đến nay, các quận, huyện cũng đã bàn giao mặt bằng vị trí khởi công cho BQL.

“Từ ngày 18-6, nhà thầu đã tiếp nhận và tổ chức triển khai tạo mặt bằng bãi khởi công công trình. Đến nay các khâu chuẩn bị đã bảo đảm đủ điều kiện khởi công công trình trên toàn tuyến” - ông Cường khẳng định.

Đại diện lãnh đạo bảy quận, huyện có dự án đi qua cũng cho biết đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng đã vượt kế hoạt đặt ra. Cụ thể như huyện Mê Linh (có 11,2 km) đến nay đã GPMB được 99,2% diện tích đất nông nghiệp. Về đất ở tái định cư, huyện Mê Linh có 458 hộ cần GPMB và huyện cũng đã lên phương án bồi thường và GPMB được trên 88% khối lượng tái định cư. Tiến độ xây dựng khu tái định cư đang đạt tiến độ đề ra.

Tương tự huyện Đan Phượng (có 6,3 km) đã hoàn thiện GPMB được 85%; huyện Hoài Đức (có 17,1 km) đạt tỉ lệ GPMB 84%; quận Hà Đông (có 5,5 km) đã GPMB 84%; huyện Thường Tín đã GPMB 83,4%; huyện Thanh Oai cũng GPMB được 82%…

Theo ông Dũng, vào ngày 25-6, dự án sẽ được khởi công tại bốn điểm thuộc địa bàn Hà Nội.

Phấn đấu năm 2026 hoàn thành dự án

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân trong triển khai dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô tại địa bàn TP. Ông Dũng cho hay thời gian qua, Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã có sự phối hợp chặt chẽ triển khai dự án cũng như chuẩn bị cho việc khởi công dự án trong tháng 6-2023.

Theo ông Dũng, vào ngày 25-6, dự án sẽ được khởi công tại bốn điểm thuộc địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, cùng thời điểm trên hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng sẽ tổ chức lễ động thổ dự án (do hai tỉnh này phê duyệt dự án chậm hơn, chưa chọn được nhà thầu). Lễ khởi công, động thổ sẽ được truyền hình trực tiếp từ điểm cầu.

Bí thư Hà Nội nhấn mạnh việc khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu, là sự thông báo về kết quả công việc thời gian qua, quan trọng phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thời gian tới.

“Tôi lưu ý đã khởi công phải làm ngay, đã làm là phải làm liên tục. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng đồng chí phải coi thực hiện dự án là nhiệm vụ chính trị. Đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027” - bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng yêu cầu bảy quận, huyện và các cơ quan, đơn vị của Hà Nội tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác GPMB, phấn đấu vận động, thuyết phục tạo đồng thuận để không phải cưỡng chế trường hợp nào. Đặc biệt, đến ngày 31-12-2023, các đơn vị, địa phương cần hoàn thành tái định cư để 100% hộ dân về nơi ở mới và hoàn thành thu hồi 100% diện tích đất để dự án được thi công thông suốt.•

Tổng mức đầu tư dự kiến 85.813 tỉ đồng

Đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 85.813 tỉ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), được chia thành ba nhóm dự án với bảy dự án thành phần.

Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu khởi công đường vành đai 4 trong tháng 6-2023. Dự kiến đến năm 2026 dự án cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án sẽ đi qua địa phận ba tỉnh, TP gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Quy mô hoàn chỉnh gồm sáu làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm