Để có thu nhập tại thị trường 1.000 USD/tháng, nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi tại tỉnh Đồng Tháp trải qua khóa tiếng Hàn buổi tối để ban ngày họ còn chạy chợ lo cho gia đình. Tổng thời gian học kéo dài trong vòng một tháng, mọi người có thể giao tiếp đơn giản. Ngoài ra, các lao động còn học Luật Lao động Hàn Quốc, kiến thức văn hóa, phong tục tập quán và ứng xử giao tiếp trước lúc xuất cảnh.
Số lao động này do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Tháp ký kết cung ứng lao động với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tại một huyện của Hàn Quốc, thực hiện từ giữa năm 2018.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, cho hay đến nay đã mãn vụ thu hoạch cà chua, ớt hàng chục lao động tại Đồng Tháp đã về nước để chờ làm thủ tục sang trồng và thu hoạch ớt, cà chua đầu năm sau.
Theo bà Tuyết sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, ăn uống, mỗi người lao động có thu nhập 100 triệu đồng từ công việc thời vụ này nên nhiều lao động lớn tuổi có nguyện vọng tiếp tục trở lại Hàn Quốc hái cà chua, ớt để cải thiện thu nhập, thay vì làm nông tại quê nhà. "Các chủ trang trại đánh giá cao tay nghề và thái độ làm việc của những lao động Việt Nam, sau đợt thí điểm ban đầu, nhiều chủ trang trại đặt hàng khoảng 130 lao động cho công việc thời vụ này năm sau" - bà Tuyết thông tin.
Bà Tuyết đánh giá, tiêu chí lao động được các chủ trang trại tuyển chọn khá “dễ thở”. Trong mẫu kê khai thông tin cá nhân, các ứng viên điền thông tin cá nhân, chiều cao, sở thích, sở trường, nghề nghiệp hiện tại, tình trạng gia đình,... Số hồ sơ ứng viên kèm theo giấy chứng nhận không bị bệnh lây nhiễm được gửi sang Hàn để các chủ sử dụng lao động lựa chọn, thường thì phía Hàn Quốc khuyến khích đi cả vợ và chồng để người lao động yên tâm làm việc.
Khi đến làm việc tại các trang trại người lao động được bố trí chỗ ở khá tiện nghi cho các cặp vợ chồng (miễn phí), ăn uống người lao động tự lo. Với công việc kể trên người lao động có thu nhập 37 triệu đồng/tháng.