Tuần rồi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi tàu sang Nga để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một trong những điều mà giới quan sát quan tâm tìm hiểu là ông Kim muốn gì ở ông Putin qua lần gặp này.
Đêm trước ngày gặp ông Putin, ông Kim nói rằng ông muốn mở rộng các quan hệ chính trị và kinh tế với Nga. Vậy thực sự ông Kim muốn gì ở ông Putin?
Theo Washington Examiner, cuộc gặp có thể giúp tăng sức mạnh của Triều Tiên trong đối phó với chiến dịch tối đa hóa trừng phạt của Mỹ, sau khi ông Kim trải qua hai kỳ thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump mà không có kết quả rõ ràng dù đã có thời điểm giới quan sát rất kỳ vọng.
Phần mình, dù về chính thức Nga phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhưng Nga cũng phản đối chiến thuật của Mỹ trong đối thoại hạt nhân với Triều Tiên hai năm qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau ở TP Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông (Nga) ngày 25-4. Ảnh: AP
Nga phản đối việc Triều Tiên bị ép và buộc phải tuân theo ý Mỹ, ông Vladimir Dzhabarov – một nghị sĩ cấp cao tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Nga nhận định.
Theo ông Dzhabarov, Nga ủng hộ đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như với Mỹ, đó là một tín hiệu tích cực, “nhưng rõ ràng Mỹ không thể giải quyết được vấn đề nếu không có sự can thiệp của Nga và Trung Quốc”.
Quan điểm của Nga là phản đối chiến lược của Mỹ nhằm thuyết phục ông Kim từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Chính phủ Trump ban hành một chiến lược “tối đa hóa áp lực” bằng trừng phạt kinh tế cộng với đe dọa rằng ông Trump có thể ra lệnh đánh phủ đầu Triều Tiên hơn là để nước này phát triển được khả năng phóng đầu đạn hạt nhân đến Mỹ.
Tuy nhiên Nga và Trung Quốc đã cản trở nỗ lực này của Mỹ bằng nhiều hình thức hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên bất kể sự phản đối của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trao đổi các thanh kiếm nghi lễ làm quà tặng sau cuộc gặp ở TP Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông (Nga) ngày 25-4. Ảnh: AP
Năm ngoái, bà Nikki Haley – khi đó còn là Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) – tố cáo Nga liên tục dùng quyền phủ quyết của mình ở Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn trừng phạt Triều Tiên, che đậy các chứng cứ Triều Tiên vi phạm trừng phạt.
Năm ngoái Nga và Trung Quốc cũng kêu gọi giảm trừng phạt quốc tế với Triều Tiên sau khi ông Kim ngưng thử tên lửa, nhưng không thành công vì vướng quyền phủ quyết của Mỹ tại HĐBA LHQ.
Ông Kim sang Nga chỉ vài ngày sau khi cấp dưới của ông đề nghị Mỹ thay vị trí dẫn đầu phái đoàn đàm phán hạt nhân của Ngoại trưởng Mike Pompeo, cho rằng nếu không có ông Pompeo thì Triều Tiên dễ thuyết phục Mỹ dỡ bỏ trừng phạt hơn. Ngoại trưởng Pompeo là người được ông Trump chỉ định dẫn đầu phái đoàn đàm phán với Triều Tiên từ năm 2018.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp đón long trọng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở TP Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông (Nga) ngày 25-4. Ảnh: KCNA
Về quan hệ kinh tế với Triều Tiên, ông Georgy Toloraya – Giám đốc Trung tâm Chiến lược châu Á thuộc Học viện Khoa học Nga cho biết “chúng tôi muốn dỡ bỏ phong tỏa quan hệ kinh tế giữa hai nước trong giới hạn cho phép theo các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ”.
Tuy nhiên theo Washington Examiner, chưa rõ Nga có thể hợp tác và bảo vệ Triều Tiên khỏi trừng phạt quốc tế đến đâu, khi bản thân nền kinh tế Nga lúc này cũng không hoàn toàn tốt.
Washington Examiner cho rằng, cả Nga và Triều Tiên đều muốn hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên, và lúc này có lẽ mối bận tâm chung của hai nước là chia sẻ tổn thương từ việc Mỹ thắt chặt kiềm kẹp kinh tế. Tuy nhiên theo chuyên gia Nicholas Eberstadt tại Viện Kinh doanh Mỹ, cả Nga và Triều Tiên phải cẩn trọng vì bất kỳ kế hoạch hành động nào của cả hai cũng có nguy cơ sẽ phải nhận thêm trừng phạt nữa từ Mỹ nếu Mỹ nhận thấy nó khiêu khích.