Trong lúc VFF làm rất nhanh việc “bổ sung bằng ĐH” thì việc xử lý người làm bóng đá ứng xử vô văn hóa lại rất chậm chạp theo kiểu đùn đẩy và câu giờ. Cả tuần qua, nhiều người của VFF còn tranh cãi và đánh bùn sang ao việc ai tung đoạn clip đáng xấu hổ ra ngoài thì nhân vật chính Trần Mạnh Hùng vẫn ngang nhiên là phó chủ tịch VPF. Hai ngày qua, những người yêu bóng đá Hải Phòng chân chính công khai kêu gọi ông Hùng từ chức lãnh đạo CLB bóng đá Hải Phòng bởi ông không xứng đáng và họ không cần người đứng đầu có hành vi ứng xử kém cỏi như thế. Người Hải Phòng thì như thế trong khi VPF lại vẫn né tránh, câu giờ không biết vì sợ ông phó chủ tịch hay đăng đàn hay quát tháo, hay sợ mất “người thân” mà mình khó khăn để đưa vào lãnh đạo nhiệm kỳ mới.
Trong khi các lãnh đạo VPF cứ truy tìm nguồn gốc đoạn clip ghi âm những lời thô tục của ông phó chủ tịch VPF thì phần phản ứng trước sự thật trần trụi và vô văn hóa của những người làm bóng đá lại cứ thực hiện theo kiểu giữ bóng càng lâu càng tốt để chờ hết giờ.
Người hâm mộ, các chuyên gia giới bóng đá đã “thẻ đỏ” Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng nhưng VFF và VPF lại rất chậm rãi, câu giờ trong việc xử lý dù đã có chỉ đạo từ Tổng cục TDTT. Thực hiện ảnh: A.BÌNH
Bóng đá Việt Nam không có ông Hùng vẫn không thể chết nhưng chắc chắn một tổ chức xã hội không bao giờ chấp nhận một con sâu làm rầu nồi canh. Phó chủ tịch VPF nhân danh lãnh đạo cấp cao của cơ quan tổ chức các giải đấu lớn quốc gia không có nghĩa là được quyền có lối hành xử vô văn hóa đầy tiếng chửi thề và hăm dọa bất chấp sự can ngăn của cấp trên lẫn người lớn tuổi hơn đang làm công tác kiểm điểm.
Trong khi VFF, VPF né tránh thì Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã yêu cầu VFF, VPF kỷ luật nghiêm khắc những người có liên quan trong cuộc họp dung tục và xấu xa làm tổn hại đến hình ảnh bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Một nhà quản lý bóng đá không coi ai ra gì với những lời nói và thái độ hung hãn như muốn ăn tươi nuốt sống người khác sẽ làm gương cho ai và nói ai nghe?
Từng có cầu thủ văng tục trên sân bóng bị phạt tiền và treo giò, cấm lên tuyển quốc gia nhưng khi lãnh đạo sẵn sàng đập vỡ tấm gương fair play treo trước mỗi trận đấu thì người ta lại ngại ngùng và rụt rè trong cách xử lý.
Quan chức VPF cầm cân nảy mực ở các giải vô địch quốc gia lại hạ thấp danh dự, nhân phẩm đồng nghiệp, coi thường người khác và bộc lộ những hành vi vô pháp vô cương có còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ lãnh đạo?
Xin mượn lời của cựu Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng - Kỷ luật VFF Vũ Hạng như một tâm sự đau đớn lột tả sự trần trụi: “Tôi cảm thấy rất buồn vì VFF ngày càng xuống cấp. Xuống cấp từ trong ra ngoài. Tôi gọi những lùm xùm như thế là vô tài. Còn nếu như anh có tài thì việc gì phải quăng ném như vậy. Tất cả đều là vô tài, tham quyền cố vị, sợ người ta không bầu, sợ mất chức nên phải quăng ném. Còn anh có tài, có đức thì cần gì dùng văn hóa đấy, thủ đoạn đấy”.
Ông Trần Mạnh Hùng làm khó cấp trên Qua sự việc này, dễ thấy ông Trần Mạnh Hùng ngoài việc tự lấy dây cột mình còn gây khó xử rất nhiều cho cấp trên là Chủ tịch VPF Trần Anh Tú. Chính ông Tú khi lên thay thế ông Võ Quốc Thắng đã giới thiệu ông Hùng lên ngồi ghế phó chủ tịch VPF như một cánh tay phải đắc lực của mình. Trước cớ sự của ông Trần Mạnh Hùng đang gây nên làn sóng chỉ trích nặng nề từ mọi giới, ông Trần Anh Tú dù không muốn bị cho là chọn nhầm người cũng không thể bảo vệ cộng sự thân tín. Cần biết thêm ông Hùng từng phản đối quyết liệt việc ông Tú xin bỏ bớt ghế tổng giám đốc VPF lẫn vai trò trưởng ba giải đấu quốc gia và ủng hộ cấp trên ứng cử phó chủ tịch VFF khóa VIII. Tuy nhiên, trước những phản ứng dữ dội và chính đáng của một số ông bầu, ông Trần Anh Tú xin không ứng cử lãnh đạo VFF rồi cho biết sẽ tìm người thích hợp ngồi ghế tổng giám đốc VPF. Ngay cả bộ phận chuẩn bị Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII cũng bị làm khó vì ông Hùng cũng được một số lãnh đạo VFF muốn “chọn mặt gửi vàng” đưa vào bộ máy ban chấp hành VFF khóa VIII và có thể là ngồi vào một số chức vụ nữa. |