Sắp hết giãn cách, Hải Dương lại phải phong tỏa 1 xã

Ngày 1-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã quyết định kết thúc giãn cách xã hội toàn tỉnh sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, đồng thời gỡ bỏ phong tỏa với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng.

Hải Dương kết thúc giãn cách xã hội từ ngày 3-3

Theo đó, từ 0 giờ ngày 3-3, toàn tỉnh Hải Dương sẽ kết thúc giãn cách xã hội sau 15 ngày thực hiện giãn cách, đồng thời gỡ bỏ phong tỏa với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Toàn tỉnh chuyển sang trạng thái mới, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, đối với các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng, TP Hải Dương và thị xã Kinh Môn là nhóm có nguy cơ sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Cụ thể, các địa phương này sẽ tiếp tục dừng các sự kiện tập trung 20 người một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ở ngoài công sở, trường học, bệnh viện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu được mở cửa.

Các huyện Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ và TP Chí Linh là nhóm nguy cơ thấp, sẽ cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng.

Tại các huyện dừng các lễ hội, lễ nghi tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người, không tập trung đông người nơi công cộng, ngoài công sở, trường học, bệnh viện, các nhà hàng, quán ăn, bán hàng được mở cửa.

Các xã, khu, điểm dân cư đang thực hiện lệnh phong tỏa thì tiếp tục thực hiện cho tới khi hết lệnh phong tỏa.

Sau cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sẽ ban hành chỉ thị về tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương giao cho các huyện chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng khu vực cụ thể.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng kiểm tra công tác xét nghiệm cho công nhân ở Cẩm Giàng. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Hải Dương: Phong tỏa một xã của huyện Kim Thành

Chiều 1-3, để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương đã ra quyết định phong tỏa toàn bộ xã Kim Đính (huyện Kim Thành) do có bảy ca mắc mới.

Theo đó, vùng phong tỏa toàn bộ xã Kim Đính gồm tổng số 2.120 hộ gia đình với 7.514 nhân khẩu.

Thời gian áp dụng tối thiểu 14 ngày kể từ 14 giờ ngày 1-3. 

Hà Nội: Cà phê được mở cửa lại từ ngày 2-3

Chiều 1-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội đã họp đôn đốc công tác phòng dịch trên địa bàn TP.

Theo Sở Y tế TP Hà Nội, TP đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ cao có ca mắc mới, do đó cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Hiện công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phun khử khuẩn phòng chống dịch tại các trường học, các cấp học đã được chuẩn bị đầy đủ.

Sở LĐ-TB&XH cho biết sinh viên, học viên các tỉnh về Hà Nội để đi học trở lại từ ngày 8-3 phải có giấy xác nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, phải khai báo chính quyền nơi cư trú và cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Tại cuộc họp, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị người về từ Hải Dương từ ngày 3-3 (ngày địa phương này kết thúc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16) phải tiếp tục khai báo y tế. Những khu vực về từ các vùng Cẩm Giàng, Kinh Môn, Kim Thành và TP Hải Dương khi về Hà Nội phải cách ly tại nhà 14 ngày. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính trong ba ngày gần nhất thì được học tập, làm việc bình thường.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng lưu ý các đơn vị có phương án, chủ động phân luồng sinh viên, học viên về Hà Nội học. Ông cũng đề nghị các trường nghề của TP tự chủ thời gian đi học trở lại của học viên, sinh viên. Thời gian đi học trở lại sau ngày 18-3 để kiểm soát dịch tốt nhất.

Ông Dũng cũng cho biết Thường trực Thành ủy Hà Nội đã quyết định các cửa hàng kinh doanh dịch vụ trong nhà (kể cả ăn, uống, trong đó có cà phê) sẽ được mở cửa trở lại từ hôm nay (2-3) nhưng phải đảm bảo giãn cách giữa người và người là 1 m, hoặc là 2 m nếu có tấm chắn.

“Vũ trường, quán bar, karaoke, Internet, trà đá vỉa hè… vẫn không được hoạt động, chờ chỉ đạo của TP” - ông Dũng nói, đồng thời cho biết Hà Nội cũng đang chuẩn bị các phương án phòng chống dịch để mở cửa trở lại các chùa, cơ sở tôn giáo vào thời điểm thích hợp.

Cứu sống bệnh nhân COVID-19 nặng nhất từ trước đến nay

Theo báo cáo của Bộ Y tế, bệnh nhân 1536, 79 tuổi, điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng từ ngày 14-1 và là ca bệnh COVID-19 nặng nhất từ trước đến nay, tuổi cao, nhiều bệnh nền... đã được cứu sống.

Đến sáng 28-2, bệnh nhân đã mở mắt linh hoạt hơn, huyết động tạm ổn, không sốt, chức năng tim có cải thiện, dinh dưỡng đường miệng tăng dần, tình trạng rối loạn đông máu có cải thiện, tuy nhiên thận và gan vẫn còn suy nhưng có dấu hiệu tích cực. Các bác sĩ bắt đầu cai ECMO cho bệnh nhân sau hơn 20 ngày phụ thuộc vào thiết bị. Bệnh nhân chỉ còn thở máy liều thấp.

Bệnh nhân 1536 từ Mỹ về hôm 13-1, xét nghiệm COVID-19 dương tính ngày 14-1 và điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng từ đó đến nay. Tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu rất nhanh, nhiều thời điểm cơ thể suy kiệt, suy tạng, não, tiên lượng tử vong cao, các chuyên gia xác định đây là ca bệnh nặng hơn bệnh nhân 91 phi công người Anh.

Các bác sĩ BV Phổi Đà Nẵng, BV Đà Nẵng, tổ chuyên gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng (Bộ Y tế) đã hội chẩn quốc gia bảy lần. Cho đến nay, bệnh nhân đã có năm kết quả xét nghiệm âm tính, chính thức được coi là đã được cứu sống. TN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm