Sắp tới CSGT TP.HCM sẽ chỉ xử phạt qua camera

Sáng 26-11, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2018-2020.

Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) nhìn nhận việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông là công tác rất quan trọng vì chi phối cả vấn đề an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của TP.

hoi-nghi-atgt

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: LÊ THOA

Theo Thượng tá Phong, ba năm qua, bức tranh giao thông của TP đã được “tô son” với điểm sáng là người dân đã đi lại trong điều kiện an toàn nhất định, ý thức chấp hành luật của người dân cũng có bước chuyển mình. Chương trình đội mũ bảo hiểm được duy trì trong 13 năm qua, tổ phản ứng nhanh ở sân bay, cảng được phối hợp tốt, ….

Đặc biệt, sự cưỡng chế xử phạt của CSGT trong những năm gần đây đã đi vào trọng tâm. Trong đó, năm 2020, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và ma túy của CSGT TP vẫn là đi đầu cả nước. Cụ thể, qua 11 tháng, CSGT TP đã xử lý trên 31.000 trường hợp vi phạm cồn; chỉ tính riêng một tháng cao điểm (tháng 8-2020), CSGT TP có mức xử phạt chiếm ¼ cả nước với 14.000/53.000 trường hợp bị phạt.

“11 tháng qua, toàn TP đã kéo giảm số người chết xuống còn 516 người chết. Đây là con số thấp nhất trong 20 năm qua…” – Thượng tá Phong nói.

Năm 2020, CSGT TP đã ra mắt đội hình nữ CSGT dẫn đoàn đầu tiên trên cả nước, tạo được hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh CSGT hoàn thiện, trách nhiệm hơn trong thực thi nhiệm vụ.

csgt-phat-nguoi

CSGT TP.HCM sẽ tăng cường xử phạt qua camera. Ảnh: LÊ THOA

Trưởng phòng PC08 nhấn mạnh thời gian tới sẽ tập trung nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. CSGT cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoàn thiện xử lý tất cả vi phạm hành chính bằng các biện pháp nghiệp vụ, qua đó việc xử phạt qua hình ảnh sẽ được đầu tư.

Theo Thượng tá Huỳnh Trung Phong, hiện nay, tỉ lệ xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera đã đạt khoảng 36%. Dự kiến năm 2021, tỉ lệ này sẽ chiếm 60% và đến năm 2022 sẽ đạt 80 - 90%.

“Như vậy trong nhiệm kỳ tới thì tất cả vi phạm về giao thông trên địa bàn TP đều được xử lý qua phương tiện nghiệp vụ” – Thượng tá Phong nhấn mạnh và cho rằng việc này sẽ hạn chế sự đối đầu giữa CSGT và người dân, là biện pháp mang tính khoa học, tuyên truyền hiệu quả hơn.

Ngoài ra, CSGT TP sẽ hoàn thiện đội ngũ cán bộ, hướng đến tinh thần phục vụ nhân dân và nâng cao tinh thần trách nhiệm.

Về phía Ủy ban An toàn giao thông TP, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách cũng ghi nhận việc các cơ quan, đơn vị, UBND 24 quận/huyện đã tổ chức cho 100% cán bộ, công chức, viên chức không uống rượu bia ngay trước, trong giờ và nghỉ giữa giờ làm việc. Cán bộ cũng không điều khiển xe khi có nồng độ cồn.

hoi-nghi-atgt

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM. Ảnh: H.KHÁNH

Thời gian qua, TP cũng đã xây dựng mô hình phát triển hệ thống giao thông thông minh. Trong đó đã thành lập Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị; Cổng thông tin giao thông điện tử cung cấp trực tuyến cho người dân bằng nhiều hình thức với các thông tin liên quan đến tình hình giao thông; thí điểm dùng vé xe buýt điện tử; thu phí đỗ xe qua ứng dụng,…

“Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu” – ông Tường nhìn nhận.

Bên cạnh đó, một số quận/huyện đã phát sinh tình hình tai nạn tăng cao. Ùn ứ giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp do lượng phương tiện đông, sự cố tai nạn, ảnh hưởng của dự án thi công.

Ông Tường cũng cho biết, tuy không có đua xe trái phép nhưng tình trạng thanh thiếu niên chạy xe thành từng đoàn, lạng lách đánh võng gây mất trật tự công cộng vẫn còn diễn ra. Số lượng phương tiện giao thông tăng mạnh trong khi hệ thống hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp và chưa có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm