Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ Tổng cục Quản lý thị trường. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về sắp xếp bộ máy quản lý thị trường theo khu vực liên tỉnh, huyện theo hướng giảm đầu mối.
Cụ thể, sau khi có quyết định của Thủ tướng về thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo việc tiếp nhận Chi cục Quản lý thị trường (thuộc Sở Công Thương) và Đội quản lý thị trường (thuộc Chi cục Quản lý thị trường) về Tổng cục Quản lý thị trường quản lý.
Bên cạnh đó, chuyển các Chi cục thành Cục Quản lý thị trường, trong đó giữ nguyên Đội quản lý thị trường trực thuộc Cục và không tổ chức phòng trong các đội này.
Các Đội quản lý thị trường cấp huyện sẽ được tổ chức lại thành liên huyện, mục tiêu giảm 305 đội đến năm 2020. Trong đó năm 2019, mục tiêu kiện toàn 38 cơ quan quản lý thị trường cấp tỉnh, thành 19 cơ quan liên tỉnh, TP. Rà soát, sắp xếp 25 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh theo hướng khu vực liên tỉnh.
Còn tại Tổng cục Quản lý thị trường, sau khi lên Tổng cục sẽ gồm 6 đơn vị, trong đó có văn phòng Tổng cục, 4 vụ và Cục nghiệp vụ quản lý thị trường.
Đáng chú ý, Phòng tuyên truyền và quan hệ đối ngoại hiện nay sẽ được nâng cấp thành Trung tâm thông tin truyền thông quản lý thị trường, trực thuộc văn phòng Tổng cục.
Theo văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ Công Thương cần rà soát, đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng quản lý thị trường, tinh giản biên chế. Kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu và gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, có phương án sắp xếp cho giai đoạn sau 2021 để tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường tinh gọn, tinh giản, hoạt động hiệu quả.