Theo dự kiến, ngày 10-3 tới, TAND quận 12, TP.HCM sẽ xét xử vụ kiện yêu cầu hủy các quyết định và bồi thường thiệt hại giữa nguyên đơn là ông Phạm Quốc Đạt (SN 1985, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) và bị đơn là Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12).
Trước đó, ngày 17-9-2019, tòa án đã tổ chức buổi đối chất giữa hai bên, đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến trình tự, nội dung xử lý kỷ luật…
Nguyên đơn, ông Phạm Quốc Đạt. Ảnh: MV
Phía nguyên đơn cho rằng bản kiểm điểm đã ký không thể hiện đầy đủ ý kiến của các bên. Kết quả bỏ phiếu hình thức kỷ luật cũng không rõ ràng, không được công bố cho nguyên đơn.
Trả lời về việc này, bị đơn cho biết có dán thông báo và mời nguyên đơn đến dự. Nguyên đơn có dự nhưng không tham gia bỏ phiếu. Sau đó, hội đồng có công bố kết quả bỏ phiếu. Bị đơn khẳng định nhà trường đã thực hiện việc xử lý kỷ luật theo đúng quy định tại Nghị định 27 của Chính phủ…
Theo nội dung vụ án, ngày 2-1, ông Lương Văn Định (Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản) đã ra quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Đạt với tư cách là giáo viên trường này.
Ông Đạt bị kỷ luật với nhiều lý do, trong đó có việc cho học sinh tái hiện một số phân cảnh nhạy cảm khi sân khấu hóa các tác phẩm văn học Bỉ vỏ, Quan Âm Thị Kính, Số đỏ. Những phân cảnh này được học sinh tái hiện lại, sau đó bị rò rỉ trên mạng khiến dư luận bức xúc và được cho là có nhiều cảnh nóng.
Ban giám hiệu nhà trường sau khi xem xét đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đạt, thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng. Trong thời gian này, ông Đạt bị đình chỉ giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm, chuyển sang làm công việc khác.
Không đồng tình với quyết định trên, ông Đạt khởi kiện yêu cầu tòa tuyên hủy các quyết định xử lý kỷ luật, buộc nhà trường phải xin lỗi, cải chính công khai, để ông tiếp tục làm chủ nhiệm lớp, giảng dạy đúng chuyên môn... Đồng thời, ông Đạt cũng yêu cầu nhà trường phải bồi thường thiệt hại hơn 76 triệu đồng.
Ngày 20-8-2019, TAND quận 12 đã tổ chức phiên hòa giải lần hai. Trong biên bản hòa giải, ông Đạt khẳng định nếu nhà trường đồng ý rút lại các quyết định xử lý kỷ luật thì ông sẽ đồng ý rút đơn khởi kiện.
Trong khi đó, phía bị đơn cho rằng các quyết định của mình là đúng quy định và có cơ sở. Do đó, nhà trường không đồng ý với tất cả yêu cầu mà nguyên đơn đưa ra và không đồng ý rút lại các quyết định kỷ luật.