Sau Mỹ, ông Putin 'phủ bóng' lên cuộc bầu cử Pháp

Ông Fillon đã bất ngờ vươn lên dẫn đầu, loại trực tiếp cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Ông đã dẫn đầu với 44,1% số phiếu bầu, dẫn trước ông Juppé với 28,3% và cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy với 21,1%. Dù trước đó cựu Tổng thống được cho là chắc chắn sẽ vào tới cuộc bỏ phiếu vòng 2 được tổ chức vào ngày 27-11.

Nhân vật bất ngờ

Ông Fillon từng là thủ tướng dưới quyền ông Sarkozy trong năm năm. Trước đó các nhà bình luận Pháp không hề để tâm đến cựu Thủ tướng Fillon. Một tuần trước, họ còn cho rằng đây chỉ là cuộc chiến giữa cựu Tổng thống Sarkozy và  cựu thủ tướng Alain Juppé. 

Tuy nhiên, trong tuần qua ông Fillon đã vượt lên dẫn đầu cuộc bỏ phiếu, ông vừa đại diện cho các giá trị cánh hữu truyền thống của ông Juppé vừa có quan điểm cứng rắn, mạnh mẽ hơn ông Sarkozy. Rất nhiều người đã ngạc nhiên trước việc ứng cử viên luôn được yêu thích - ông Juppé tụt xuống vị trí số hai. Người chiến thắng trong vòng bầu cử thứ hai sẽ phải đối mặt với ứng cử viên của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia - bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống.

Ông Fillon khi còn là thủ tướng dưới quyền Tổng thống Nicolas Sarkozy vào năm 2010. Ảnh: REUTERS

Sau thất bại, ông Sarkozy cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Fillon. Cả hai ông có quan điểm tương đối giống nhau về các vấn đề trên thế giới. Đặc biệt so với ông Juppé, ông Fillon có chính sách ngoại giao thân Nga hơn. Ông Fillon đã kêu gọi liên minh với Nga để cùng chiến đấu chống IS.

Tuy nhiên, trong một cuộc thăm dò sau khi bỏ phiếu, phần lớn cử tri cho biết rất quan tâm tới các chính sách kinh tế, đây là một mặt trận mà ông Fillon có thể sẽ dễ thất bại. Ông Fillon đã đề nghị các biện pháp hết sức cứng nhằm vực lại vai trò của kinh tế nhà nước: Cắt giảm 500.000-600.000 vị trí công chức, tăng số giờ làm việc từ 35 giờ sang 39 giờ một tuần tại các nơi làm việc công như bệnh viện. Những chính sách này đã khiến hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình.

Ông Juppé cũng cho rằng những chính sách kinh tế của ông Fillon là quá hà khắc và không khả thi. Ông dường như chắc chắn sẽ đưa ra những chính sách phản bác trong bảy ngày còn lại của chiến dịch bầu cử. Tuy nhiên, hiện tại số phiếu bầu của ông khá thấp so với ông Fillon.

Fillon hay Le Pen thì Putin cũng "thắng"

Nước Nga và nhà lãnh đạo Putin tiếp tục là vấn đề được bàn luận mạnh mẽ trong cuộc bầu cử Pháp. Trong số các ứng cử viên trung hữu, ông Juppé là người có lập trường chống Nga nhất. Ông lên án vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea và đánh bom Aleppo, cáo buộc Nga phạm "tội ác chiến tranh" ở Syria. "Tại một thời điểm nhất định, chúng ta không nên ngần ngại yêu cầu ông Putin 'ngừng lại'' - ông Juppé nói.

Nếu ông Juppé thắng bầu cử vòng 2 và cạnh tranh trực tiếp với bà Le Pen - lãnh đạo Mặt trận Quốc gia thì Tổng thống Putin chắc hẳn sẽ phải lo ngại. Tuy nhiên, nếu ông Fillon là ứng cử viên của đảng trung hữu thì Tổng thống Putin sẽ thanh thản hơn rất nhiều.

Ông Fillon luôn ủng hộ Nga tại Syria kể từ năm 2012, cho rằng Moscow là một cầu nối giải quyết xung đột và nỗ lực kêu gọi không loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho đến khi đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Năm 2013, khi còn là thủ tướng Pháp, ông Fillon là khách mời của Diễn đàn Valdai.

Đây là nơi Tổng thống Putin cùng nhiều chính trị gia tinh anh trao đổi những quan điểm chính sách của Nga với các chuyên gia phương Tây. Ngoài việc kêu gọi hợp tác ở Syria, ông Fillon cũng bày tỏ hy vọng rằng châu Âu sẽ sớm bãi bỏ thị thực ngắn hạn cho Nga.

Ông Fillon cũng kiên quyết phản đối lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga sau hành động sáp nhập Crimea của Tổng thống Putin. Vào tháng 4, cựu Thủ tướng Fillon rất hưởng ứng nghị quyết của Quốc hội Pháp về việc kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

 Ông Fillon cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi hai người còn giữ vị trí thủ tướng hai nước.

Lập trường của ông Fillon rất kiên trì và rõ ràng, khác biệt hoàn toàn so với những phát biểu bốc đồng và thiếu hiểu biết của Donald Trump về Nga trong chiến dịch bầu cử. Ông Fillon là một chính trị gia bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm quốc tế, ông biết rõ mình đang nói gì và sẽ không có khả năng ông đột nhiên thay đổi quan điểm lâu nay của mình trong cuộc bầu cử.

Một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã kêu gọi EU đoàn kết về lệnh trừng phạt Nga trước lễ nhậm chức của ông Trump trong năm tới. Bởi họ cho rằng có thể sẽ không nhận được sự ủng hộ từ Washington nữa. Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Pháp Hollande cùng đồng quan điểm trừng phạt Nga vì hành động phá hoại Ukraina. Các nước nhỏ trong EU cũng có cùng quan điểm này. Mở rộng lệnh trừng phạt Nga trước khi ông Trump nhậm chức được cho là một động thái thể hiện thái độ phản đối và đại diện cho lập trường của phương Tây.

Tuy nhiên, dù cho ông Fillon hay bà Le Pen - người từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Putin chiến thắng cuộc bầu cử Pháp thì lệnh trừng phạt này có khả năng sẽ chấm dứt, theo hãng tin Bloomberg. Đây là một kết thúc không mấy vẻ vang với EU.

Cấm vận không gây tổn hại quá lớn đến nước Nga trong khi Tổng thống Putin lại có thể dựa vào đó để vận động được người Nga chống lại phương Tây. Ông tăng được sự ủng hộ trong nước, nền kinh tế Nga cũng không bị thiệt hại nhiều ngoài việc các công ty nhà nước buộc phải trả nợ. Và tất nhiên là lệnh trừng phạt không ngăn được việc điện Kremlin tiếp tục can thiệp vào Ukraina.

Theo hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Merkel sẽ tiến hành tranh cử vào mùa thu năm 2017. Bà cần sớm quyết định liệu có chung chiến tuyến với Pháp hay không. Nhiều người Đức hy vọng rằng bà sẽ không quyết định theo Pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm