Ngày 24-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Phạm Thị Mai và ông Võ Thanh Tùng (cùng ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Bà Mai, ông Tùng cũng được hủy bỏ biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú có hiệu lực từ tháng 7-2011 của công an tỉnh.
Không chứng minh được tội phạm
Lý do CQĐT đình chỉ bị can đối với bà Mai và ông Tùng là: Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà cơ quan điều tra không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội.
Trước đó, năm 2011, bà Mai và ông Tùng bị khởi tố, truy tố trong cùng một vụ án về tội cưỡng đoạt tài sản. Sau gần chín năm kiên trì kêu oan, trải qua bốn phiên tòa, đến nay bà Mai, ông Tùng đã chính thức được đình chỉ điều tra, không còn phải mang thân phận bị can.
Theo hồ sơ, tháng 9-2009, ông Khưu Chí Thức đại diện DNTN Vạn Hưng ký hợp đồng mua bán cá tra nguyên liệu với bà Mai, giá hợp đồng là hơn 4,9 tỉ đồng. Sau đó, phía ông Thức có thanh toán nhiều lần cho phía bà Mai nhưng còn nợ lại hơn 1,6 tỉ đồng.
Tháng 10-2019, DNTN Vạn Hưng của ông Thức cũng ký hợp đồng mua bán cá tra nguyên liệu với ông Võ Thanh Tùng trị giá hơn 930 triệu đồng nhưng chỉ thanh toán được gần 400 triệu đồng.
Ngày 20-12-2010, ông Huỳnh Dù Táng (đại diện DNTN Vạn Hưng) làm tờ cam kết có nội dung: “Táng và Thức đại diện DNTN Vạn Hưng cam kết trong thời gian 20 ngày sẽ tìm đối tác bán nhà máy và thanh toán tiền mặt một lần cho Mai. Nếu trong thời gian trên không tìm được đối tác thì DNTN Vạn Hưng sẽ tháo trước phần tài sản máy móc, thiết bị của doanh nghiệp bán để lấy tiền thanh toán cho Mai”.
Tuy nhiên, hết thời hạn theo cam kết, phía DNTN Vạn Hưng vẫn chưa thanh toán tiền cho bà Mai. Ngày 20-1-2011, bà Mai cùng ông Thức và ông Táng còn ký hợp đồng mua bán nhà máy tại Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
Sau đó, hai bên tiếp tục có thỏa thuận: Bà Mai sẽ cho DNTN Vạn Hưng thời hạn đến ngày 17-2-2011 để tìm đối tác bán nhà máy với giá cao hơn 5,5 tỉ đồng. Trong thời gian trên, nếu Vạn Hưng không tìm được đối tác để bán nhà máy thì ký sang nhượng, bàn giao nhà máy và thiết bị cho bà Mai.
Do DNTN Vạn Hưng không thực hiện theo thỏa thuận nên bà Mai cùng một số người đến trụ sở DNTN Vạn Hưng cho bảo vệ ở đây xem hợp đồng, phụ lục và giấy cam kết trả nợ để vào doanh nghiệp này tháo dỡ tài sản.
Từ ngày 22 đến 28-2-2011, bà Mai thuê người tháo dỡ một tủ lắc đông lạnh, tủ gió đông lạnh, tủ máy thổi đông lạnh tổng giá trị hơn 1,4 tỉ đồng. Thấy bà Mai lấy tài sản được nên ông Võ Thanh Tùng cũng cho người đến lấy tài sản của DNTN Vạn Hưng.
Bà Phạm Thị Mai và ông Võ Thanh Tùng. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Từng hai lần bị tòa sơ thẩm kết án
Tháng 7-2011, bà Mai bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản. Ông Tùng bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản. Ngày 9-2-2012, bà Mai bị bắt tạm giam, đến ngày 22-3-2013 thì bà được tại ngoại.
Hai người kêu oan. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất vào tháng 3-2013, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt bà Mai bảy năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản và sáu tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản (tổng hợp hình phạt là 7,6 năm tù). Ông Tùng bị phạt một năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Bà Mai, ông Tùng kháng cáo kêu oan. Tại phiên xử phúc thẩm sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Sau khi điều tra lại, VKSND tỉnh Sóc Trăng chỉ đồng ý truy tố bà Mai về tội cưỡng đoạt tài sản. Xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh này vẫn tuyên phạt bà Mai bảy năm tù, ông Tùng một năm tù. Bà Mai tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh Đây là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh trong bài “Bị tội vì tháo dỡ tài sản đã mua”, theo hướng việc tòa sơ thẩm kết tội bà Mai, ông Tùng là thiếu căn cứ. |
Xử phúc thẩm lần thứ hai vào tháng 8-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM lại tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Hơn ba năm sau khi tòa phúc thẩm yêu cầu điều tra lại, cơ quan CSĐT không chứng minh được bà Mai, ông Tùng thực hiện hành vi phạm tội nên phải ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Theo đó, quá trình điều tra lại, công an xác định hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán nhà máy giữa ông Thức và bà Mai là không vi phạm pháp luật. Tài sản mà bà Mai lấy của DNTN Vạn Hưng chưa vượt quá số tiền mà doanh nghiệp này nợ bà Mai.
Theo CQĐT, do vụ việc xảy ra cách nay đã lâu, nhân chứng và những người có liên quan trong vụ án không còn nhớ rõ, dẫn đến nội dung trình bày không rõ, có trường hợp từ chối khai báo.
Đối với ông Tùng, CQĐT cũng cho rằng do vụ việc xảy ra cách nay đã lâu nên nhân chứng và những người có liên quan trong vụ án không còn nhớ rõ. Vì thế, nội dung vụ việc trình bày không rõ ràng, có trường hợp từ chối khai báo. Bên cạnh đó, hành vi phạm tội của ông Tùng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mong sớm được xin lỗi, bồi thường Ngày 26-3, trao đổi với PV, cả bà Mai và ông Tùng đều cho biết rất vui mừng khi CQĐT đã đình chỉ bị can và hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với mình. “Gần chín năm mang thân phận bị can, tôi như sống trong địa ngục, gia đình tan vỡ, công việc làm ăn bị cản trở, bản thân cũng không được ra khỏi địa phương. Nay được đình chỉ điều tra tôi rất mừng, mong cơ quan làm oan sớm trả lại sự trong sạch cho tôi” - bà Mai nói. Ông Tùng cũng chia sẻ: “Tòa phạt tôi một năm tù và cũng đã tạm giam tôi một năm. Sau đó tôi bị cấm đi khỏi địa phương nên không làm ăn được, hàng xóm xa lánh. Tôi mong sớm được xin lỗi và bồi thường oan”. HẢI DƯƠNG ghi Tòa án cấp sơ thẩm phải bồi thường oan Theo luật sư Từ Tiến Đạt (Đoàn Luật sư TP.HCM), căn cứ để công an đình chỉ vụ án với bà Mai và ông Tùng là điểm b khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015 (đã hết thời hạn điều tra vụ án mà cơ quan điều tra không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội). Theo khoản 3 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trường hợp của bà Mai và ông Tùng được bồi thường oan. Bên cạnh đó, theo điểm a khoản 1 Điều 32 luật này thì trách nhiệm bồi thường đối với bà Mai, ông Tùng thuộc về TAND tỉnh Sóc Trăng, nơi xử sơ thẩm vụ án. Theo điều luật trên thì: Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau khi tuyên bị cáo có tội nhưng tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra vì không thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, bà Mai và ông Tùng có quyền yêu cầu TAND tỉnh bồi thường do đã kết án oan họ. SONG NGUYỄN ghi |