Sáng nay (17-5), tại tỉnh Quảng Trị đã diễn ra hội nghị tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân bốn tỉnh miền Trung Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN DO
Bộ TN&MT báo cáo trong năm 2017 và 2018, Bộ TN&MT kiểm tra quan trắc, giám sát định kỳ chất lượng môi trường biển tại 19 bãi tắm trên địa bàn và kịp thời công bố chất lượng môi trường biển cho người dân được biết.
Kết quả quan trắc trong thời gian qua đã cho thấy các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép. Như vậy đến thời điểm hiện nay, chất lượng môi trường biển bao gồm nước biển và trầm tích biển tại bốn tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và tắm biển, thể thao dưới nước.
Bộ Y tế thông tin vào đợt lấy mẫu kiểm nghiệm từ tháng 1 đến tháng 3-2018, Bộ đã lấy và kiểm nghiệm gần 900 mẫu hải sản tại bốn tỉnh miền Trung. Kết quả phân tích cho thấy tỉ lệ tồn dư phenol trong các mẫu hải sản tầng đáy của bốn tỉnh miền Trung tương đương với nhóm đối chứng.
Từ tháng 12-2017, kết quả giám sát các chỉ tiêu an toàn đối với mẫu hải sản tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường và cả vùng biển Sơn Dương thuộc xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh tương đương với mẫu hải sản của các vùng biển đối chứng và đã đảm bảo an toàn.
Tại buổi tổng kết, lãnh đạo các tỉnh đều đồng nhất với bản báo cáo tổng kết hoạt động của ban chỉ đạo. Bên cạnh đó, lãnh các địa phương đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành giám sát chặt Nhà máy Formosa Hà Tĩnh, tránh để sự cố này xảy ra thêm một lần nữa, đồng thời quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân, hạ tầng ven biển miền Trung…
Ngư dân vui mừng vì các loại hải sản biển đã hồi sinh trở lại. Ảnh: NGUYỄN DO
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết hiện nay sự cố môi trường đã được khắc phục, các hoạt động sản xuất trở lại bình thường, an ninh trật tự được đảm bảo.
Sự cố môi trường biển này là một bài học đắt giá. Hiện nay, trước hết phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tăng cường, rà soát tác động môi trường của các dự án. Không cấp phép dự án không đảm bảo môi trường, xử lý nghiêm về những sai phạm về môi trường.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh số kinh phí bồi thường và hỗ trợ thiệt hại của Công ty Formosa đã được giải ngân hoàn toàn, bảo đảm đúng cam kết, đúng quy định và mục tiêu đề ra. Đến nay các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trực tiếp do sự cố môi trường biển đã được bồi thường đầy đủ, các tổ chức và cá nhân bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Đặc biệt, nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, người dân tiếp tục ra khơi, từng bước chuyển các nghề khai thác gần bờ sang khai thác ở vùng biển xa bờ. Số lượng tàu khai thác trên biển đã tăng trở lại, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 cao hơn so với năm 2016.
Hoạt động kinh doanh thủy sản đã trở lại bình thường, người tiêu dùng đã yên tâm sử dụng các sản phẩm hải sản, du lịch biển đã trở lại bình thường.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Từ sự cố môi trường biển Formosa chúng ta nghĩ về tương lai môi trường tại nước ta. Bộ TN&MT phải có giải pháp để giữ gìn môi trường, trong đó có môi trường biển. Công tác kiểm tra định kỳ phải được thực hiện, đặc biệt là với Formosa.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn sau khi khắc phục sự cố môi trường biển, bốn tỉnh miền Trung sẽ thực sự phát triển, nhất là về kinh tế biển. Thủ tướng dẫn câu nói "lửa thử vàng, gian nan thử sức" với hy vọng sau sự cố môi trường biển này, bốn tỉnh miền Trung sẽ đoàn kết, yêu thương nhau hơn và đặc biệt phải vươn lên như kỳ vọng của Đảng và Chính phủ.