Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, cho biết trước đây, khi khu đô thị (KĐT) lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ
(TP.HCM) chưa được phê duyệt đã có ý tưởng đề xuất kết nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu bằng cầu vượt biển dài
17 km hoặc hầm vượt biển dài 25 km. Theo ông Dũng, nếu làm hầm vượt biển hiện nay thì từ KĐT lấn biển đến Vũng Tàu chỉ khoảng 7 km đường chim bay, gần hơn nhiều so với đề xuất trước đây.
Giấc mơ kết nối Vũng Tàu - Cần Giờ
Ông Dũng cho biết ý tưởng trước đây của các nhà khoa học và chuyên gia là có thể kết nối Cần Giờ - Vũng Tàu và hình thành một chuỗi đô thị biển kéo dài từ Vũng Tàu qua Cần Giờ về tới Gò Công (Bến Tre). Đến nay, khi KĐT lấn biển 2.870 ha được duyệt thì việc kết nối Vũng Tàu và Cần Giờ càng thuận lợi hơn.
Mô phỏng ý tưởng hầm chui vượt biển nối Cần Giờ (TP.HCM) với TP Vũng Tàu. Đồ họa: HỒ TRANG
“Thậm chí đã có ý tưởng làm hầm vượt biển, nếu tính từ khu đô thị lấn biển ra thì đường chim bay khoảng 7 km để nối đến Vũng Tàu. Đó cũng là ý tưởng táo bạo của các nhà khoa học, chuyên gia” - ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, đây không phải là lần đầu tiên, ý tưởng về hầm vượt biển nối hai địa phương này được nêu ra. Trước đó, trong buổi tọa đàm “Đi tìm mô hình đột phá phát triển cho huyện Cần Giờ - TP.HCM” do Sở QH-KT TP.HCM tổ chức ngày 17-4-2017, các chuyên gia cũng đưa ra câu chuyện về hầm vượt biển. Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia khoa học cũng đề xuất xây dựng một tuyến đường ngầm vượt biển nối Cần Giờ với Vũng Tàu dài khoảng 25 km.
Lưu ý yếu tố kỹ thuật, kinh tế
“Tôi thấy đề xuất làm hầm vượt biển thì tính khả thi về mặt kinh tế không cao, bởi vì Cần Giờ là một KĐT sinh thái, không phát triển khu công nghiệp hay cảng biển gì lớn” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.
Theo ông Sơn, khác với các KĐT biển thông thường, việc khai thác tiềm năng kinh tế biển của Cần Giờ phải đặt trong một tình huống khá đặc biệt, vừa thuận lợi vừa khó khăn về vị trí và điều kiện tự nhiên.
Cụ thể, địa phương này vừa phải xây dựng đô thị mới, bảo tồn sinh thái vừa muốn phát triển du lịch cao cấp và cảng biển nước sâu, vừa phải cạnh tranh trên thế yếu về điều kiện tự nhiên và tương lai kết nối vùng. Khi so với Vũng Tàu và Phú Mỹ, có thể nói hai địa phương này đang sở hữu điều kiện phát triển kinh tế biển thuận lợi hơn rất nhiều so với Cần Giờ.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, thì cho rằng về ý tưởng thì nên liên kết Cần Giờ và Vũng Tàu, còn liên kết bằng hầm hay cầu là do các yếu tố kỹ thuật quyết định. Các yếu tố kỹ thuật được đề cập tới là các loại tàu nào đi qua vùng biển đó, mực nước chìm là bao nhiêu, sâu bao nhiêu nếu làm hầm; làm cầu thì độ tĩnh không thông thuyền là bao nhiêu, dòng chảy ra sao, tốc độ gió như thế nào…
“Làm các công trình này là do yếu tố kỹ thuật quyết định, chứ không phải là nên hay không nên làm cầu hoặc hầm. Lưu ý nữa làm cầu thì phải cộng thêm mực nước biển dâng theo dự báo biến đổi khí hậu, rồi chân cầu kết nối giao thông ra sao, cao bao nhiêu…” - ông Mười phân tích.•
Không chỉ đề xuất làm hầm vượt biển, năm 2019, ông Lê Minh Dũng (khi đó là chủ tịch UBND huyện Cần Giờ) cũng bày tỏ mong muốn ấp ủ bao năm qua về dự án làm cầu vượt biển dài 17 km nối với TP Vũng Tàu. Liên quan đến cầu vượt biển này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết năm 2017, hiệp hội đã đề xuất ý tưởng làm một cây cầu có tính biểu tượng như cầu Cổng Vàng - Golden Gate Bridge ở San Francisco, Mỹ. |