Sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn

(PLO)- Kỳ họp 6 của Quốc hội XV sẽ dành 1,5 ngày làm việc để lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 19-10, tại cuộc họp báo thông tin về kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV, báo chí đặc biệt quan tâm tới nội dung kỳ họp sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trả lời về nội dung này, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Quốc hội khoá XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã bầu và phê chuẩn 50 chức danh. Hiện có 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, theo quy định thì những người có thông báo chờ nghỉ hưu và chức danh được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 do chưa đủ 1 năm giữ chức vụ.

hop-bao-quoc-hoi.jpg
Quang cảnh cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV.

“Danh sách sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức trình Quốc hội vào ngày 24-10” – Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thông tin.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được tiến hành theo Nghị quyết 96 được thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Các chức danh này gồm: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh.

Theo Nghị quyết 96, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Điều đó đồng nghĩa Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh, do 5 người này được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.

Cũng theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và nhân dân có ý kiến hoặc đại biểu Quốc hội yêu cầu (nếu có).

Các báo cáo này được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay hiện các báo cáo trên đã được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay Ban công tác đại biểu chưa nhận được phản ánh nào liên quan đến nội dung các báo cáo. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có ý kiến sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội” - ông nói.

Dự kiến, Quốc hội dành 1,5 ngày cho công tác lấy phiếu tín nhiệm, trong đó có phiên thảo luận tại đoàn về người được lấy phiếu tín nhiệm cũng như các báo cáo công tác, kê khai tài sản.

Theo quy trình, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, sau đó thảo luận ở đoàn trước khi lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp và Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân được biết.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.

Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 23-10 và dự kiến bế mạc vào ngày 29-11 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp được tổ chức làm 2 đợt, trong đó đợt 1 kéo dài 15 ngày từ ngày 23-10 đến ngày 10-11 và đợt 2 kéo dài 7 ngày từ ngày 20-11 đến ngày 29-11.

Về công tác lập pháp, kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án Luật khác. Trong số các dự luật được xem xét, thông qua tại kỳ họp có Luật Đất đai (sửa đổi) - một dự luật được người dân đặc biệt quan tâm.

Cùng với đó, kỳ họp cũng xem xét các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước và tiến hành giám sát các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, các báo cáo công tác tư pháp.

Đặc biệt kỳ họp sẽ dành 3 ngày làm việc để tiến hành phiên chất vấn và 1,5 ngày cho công tác 1,5 ngày cho công tác lấy phiếu tín nhiệm.

Kỳ họp sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm