Cùng lúc Thanh tra TP Hà Nội đang làm rõ các sai phạm về “xẻ thịt” rừng xây villa, biệt phủ ở Sóc Sơn, thì chính quyền huyện Sóc Sơn cũng lên danh sách 45 công trình xâm phạm rừng phòng hộ ở hai xã Minh Phú và Minh Trí.
Trong đó 18 trường hợp ở xã Minh Phú đã có kế hoạch cưỡng chế phá dỡ trong tháng 11-2018. Đối với 27 công trình ở xã Minh Trí hiện đang được UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra hồ sơ xem có vi phạm hay không…
Một khu villa đang hoàn thiện tại địa bàn xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn).
18 công trình sai nhưng vẫn… tồn tại
Đó là 18 công trình vi phạm đất rừng, sai quy hoạch đã được chính quyền địa phương, đơn vị quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng Sóc Sơn phát hiện từ lâu, từng lập biên bản xử lý nhưng đến nay vẫn tồn tại.
Cụ thể, theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (Sở NN&PTNT TP Hà Nội) gửi Sở NN&PTNT TP Hà Nội ngày 17-8, trong quá trình quản lý rừng tại địa bàn huyện Sóc Sơn, đơn vị này đã phát hiện nhiều hộ dân xây dựng nhà, làm lán trại trên đất rừng. Mặc dù đơn vị này đã xử lý nhiều trường hợp nhưng đến nay tại địa bàn xã Minh Phú vẫn còn 18 trường hợp xây dựng nhà trên đất rừng nhưng không chấp hành dỡ bỏ nhà trả lại mặt bằng.
Báo cáo này cũng cho biết qua kiểm tra hồ sơ các hộ đều có sổ lâm bạ do chính quyền địa phương cấp, thời điểm cấp từ năm 1990; có hợp đồng chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận; trong hợp đồng có đất thổ cư, có phiếu thu xây dựng cơ sở hạ tầng, có hóa đơn nộp thuế…
Trong số 18 công trình sai phạm do Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng điểm danh có công trình của bà Nguyễn Hồng Thủy xây dựng với quy mô hoành tráng nhất với diện tích xây dựng lên tới 460 m2, công trình xây bằng gạch, bê tông. Khi phát hiện trường hợp này, Ban quản lý rừng phòng hộ đã lập biên bản vi phạm, mời chủ công trình đến làm việc. Sau đó chủ công trình đã có bản cam kết tự tháo dỡ, tuy nhiên đến nay công trình này vẫn tồn tại.
Ngoài ra còn hàng loạt trường hợp xâm phạm đất rừng khác với diện tích xây dựng hàng trăm mét vuông như bà Trần Thị Kim xây dựng với diện tích hơn 124 m2 trên đất vườn quả, quản lý bảo vệ rừng; bà Lâm Thị Minh Phúc xây dựng trên diện tích 144 m2; ông Lê Xuân Long xây dựng trên diện tích 130 m2…
Điều đáng nói 18 trường hợp xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp này đều được đơn vị trực tiếp quản lý rừng phát hiện, lập biên bản vi phạm, mời chủ công trình tới làm việc và có cam kết tự phá dỡ công trình sai phạm… tuy nhiên cho đến nay các công trình này vẫn tồn tại, không hề bị xử lý.
Sau khi, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Thanh tra TP vào cuộc làm rõ các sai phạm về quản lý đất rừng, trật tự xây dựng trên địa bàn xã, đến tháng 10-2018 UBND xã Minh Phú mới đưa ra kế hoạch trong tháng 11-2018 sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ đối với 18 công trình này.
Kiểm tra hồ sơ 27 công trình xâm phạm đất rừng
Giống như xã Minh Phú, xã Minh Trí cũng có hàng loạt công trình "xẻ thịt" đất rừng đang được Thanh tra TP Hà Nội làm rõ. Hàng loạt công trình này đều nằm ở khu vực ven hồ Đồng Đò (đều thuộc thôn Minh Tâm, xã Minh Trí), một địa điểm có khung cảnh đẹp vào loại hạng nhất ở những xã có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc huyện Sóc Sơn.
Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, cho biết hiện xã đã gửi hồ sơ 27 công trình có sai phạm để chờ UBND huyện Sóc Sơn xem xét, quyết định. Sau khi có kết luận của huyện Sóc Sơn, địa phương này sẽ tiến hành xử lý đối với các công trình sai phạm.
Tổ hợp công trình Hoàng Lê Gia Garden sai phạm tại địa bàn xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn).
Ông Nhuận cũng cho hay trong số 27 công trình sai phạm trên có 22 công trình nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, còn năm công trình khác nằm ngoài. Trong số này phải kể đến công trình Hoàng Lê Gia Garden, trường hợp có vi phạm với quy mô “khủng” nhất.
Cụ thể, khu đất Hoàng Lê Gia Garden được bốn người ngoài địa phương nhận chuyển nhượng của 13 hộ dân tại thôn Minh Tâm. Việc chuyển nhượng có hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên được xác nhận của chính quyền thôn và cán bộ địa chính xã. Hiện công trình này đứng tên bốn chủ đầu tư khác nhau, gồm có bốn hạng mục công trình với tổng diện tích xây dựng 717 m2. Cơ quan chức năng xác định khu đất công trình Hoàng Lê Gia Garden xây dựng trên đất quy hoạch là vườn quả, thuộc hành vi sử dụng đất sai mục đích.
“Đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa biết bao giờ sẽ ra thông báo yêu cầu người dân tự tháo dỡ và cưỡng chế công trình vi phạm nếu người dân không tự làm. Bây giờ phải chờ xác định xong hạn mức và loại đất của người ta thế nào thì mới quy được vi phạm. Cái đó thuộc thẩm quyền của huyện và khi nào huyện có kế hoạch cụ thể thì chúng tôi sẽ thực hiện” - chủ tịch UBND xã Minh Trí nói.
Xử nghiêm vụ rừng Sóc Sơn, bất kể đó là ai Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên họp sáng 31-10 của UBND TP Hà Nội. Xoay quanh các vi phạm về trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng Sóc Sơn, ông Chung chỉ đạo: “Trước tiên ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện thì phải ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm. Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”. |