Theo The New York Times, chính quyền lực của Harvey Weinstein khiến nhiều người ngại lên tiếng. Những chiến dịch vận động hiệu quả của Harvey đã mang về hơn 300 đề cử Oscar cho các phim mà hãng ông sản xuất hoặc phát hành.
Tiền và quyền đi đôi
Hôm 5-10, báo The New York Times đăng bài tố cáo Harvey Weinstein, nhà sản xuất lừng danh từng đưa tên tuổi nhiều diễn viên đến tượng đài Oscar, đã gạ tình các nữ diễn viên để đổi lấy vai diễn suốt ba thập niên qua. Đây là vụ bê bối được xem là gây rúng động nhất Hollywood năm nay.
Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood như Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow cũng đăng đàn tố cáo “ông trùm” này. Tuy nhiên, không phải đến bài viết của The New York Times thì sự việc chấn động này mới bị phanh phui.
Nhiều nhà báo Âu Mỹ đã dùng cụm từ “open secret”, một điều tưởng như bí mật nhưng thật ra ai cũng biết, để mô tả về “cách làm việc” của Harvey Weinstein. Hồi năm 2013, khi công bố các đề cử Oscar, diễn viên hài Seth MacFarlane nói đùa rằng: “Chúc mừng các nữ diễn viên được đề cử, từ nay các bạn không phải giả vờ yêu thích Harvey Weinstein nữa”. Câu nói này đã khiến cả khán phòng cười rộ lên, bởi họ đều hiểu nghệ sĩ hài đang ám chỉ điều gì.
Theo The New York Times, tiền bạc là cách thức trực diện để Harvey Weinstein bảo vệ mình trước những cáo buộc. Đạo diễn nổi tiếng đã dàn xếp ít nhất tám lần với các nạn nhân, trong đó nữ diễn viên Rose McGowan được cho là đã nhận 100.000 USD vào năm 1997 để đổi lấy sự im lặng.
Ông trùm quyền lực Hollywood Harvey Weinstein bị nhiều sao nữ tố cáo gạ tình. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhà làm phim Jennifer Siebel Newsom trong bài viết về vụ việc của Harvey Weinstein đã nêu ra khái niệm “luật im lặng” để chỉ đến quy tắc ngầm của Hollywood. “Rõ ràng có nhiều người biết nhưng lựa chọn không đứng về phía nạn nhân. Nhiều người muốn bảo vệ quyền lực và đặc quyền hơn là việc bắt thủ phạm phải chịu hậu quả” - Newsom viết trên tờ Huffington Post.
Ngay cả khi scandal của Harvey Weinstein bị phanh phui trên The New York Times, nhiều ngôi sao Hollywood vẫn ngại là người đầu tiên lên tiếng. Tờ The Guardian những ngày đầu đã liên hệ với 20 diễn viên và đạo diễn hạng A từng làm việc với Weinstein nhưng chỉ có vài người trả lời. “Khi tố cáo một ông trùm, một người phụ nữ có nguy cơ mất chỗ đứng trong nghề nghiệp hoặc bị xem là không hiểu luật chơi” - nhà báo Stephanie Zacharek của tạp chí Time giải thích.
Ngay cả Meryl Streep hay Ben Affleck, dù lên tiếng chỉ trích “ông trùm” nhưng vẫn kèm thêm câu “không biết về hành vi” của ông trong suốt thời gian qua. Còn hai ngôi sao Angelina Jolie và Gwyneth Paltrow thì chỉ lên tiếng tố cáo Harvey Weinstein ở thời điểm công chúng đã phản ứng mạnh mẽ với vụ việc.
Một số nạn nhân cho biết họ không trình báo vì thấy xấu hổ, không có nhân chứng hoặc sợ Harvey trả thù. “Tôi là một người phụ nữ 28 tuổi đang tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp. Harvey Weinstein 64 tuổi, nổi tiếng khắp thế giới và đây là công ty của ông ấy. Cán cân quyền lực là tôi 0 điểm trong khi Harvey Weinstein 10 điểm” - một nạn nhân tên Lauren O’Connor chia sẻ.
Vấn đề từ gốc rễ
Theo một số nhà báo Âu Mỹ, một trong những nguyên nhân khiến “luật im lặng” về nạn quấy rối tình dục ở Hollywood diễn ra suốt thời gian qua, đó là bởi ở hậu trường kinh đô điện ảnh này, một số người xem gạ tình là chuyện bình thường.
Harvey Weinstein đã lên tiếng xin lỗi sau khi scandal bị phanh phui, tuy nhiên vị đạo diễn nổi tiếng này lại lý giải ông cư xử như vậy bởi lớn lên trong thập niên 1960 và 1970 - giai đoạn ông cho rằng quấy rối tình dục là một thứ văn hóa ở Hollywood.
“Weinstein hưởng lợi từ một nền văn hóa mà những hành vi ông ấy yêu thích thường được tha thứ, hiếm khi bị chất vấn và đôi khi còn được tạo điều kiện. Phim ảnh cũng như chính trị, sự đạo đức giả không chỉ là một điều được thừa nhận mà còn là một phần thiết yếu của công việc” - tác giả Bret Stephens của The New York Times nhận định.
Bret Stephens cũng cho rằng Harvey Weinstein bị lật tẩy bởi vì quyền lực của ông đã suy yếu trong vài năm gần đây, khi phim của hãng Weinstein dần không còn ở thế mạnh trên đường đua Oscar. “Ông ấy không còn là ông trùm phim độc lập có thể thay đổi sự nghiệp của một diễn viên nữa” - Stephens nói, đồng thời cho rằng vụ việc của Harvey Weinstein vẫn sẽ chưa thể thay đổi được văn hóa Hollywood.
Cùng quan điểm, nhà làm phim Jennifer Siebel Newsom cho rằng chỉ là bước đầu tiên trong việc chấm dứt tình trạng dùng tình đổi vai diễn ở Hollywood. “Chúng ta cần nhiều người quyền lực hơn, đặc biệt là đàn ông để phá vỡ “luật im lặng”, để đấu tranh cho những gì đúng đắn và công bằng, cũng như thách thức thứ văn hóa quấy rối tình dục và cưỡng hiếp này” - Newsom khẳng định.
Trẻ em cũng đang bị đe dọa? Không những các diễn viên nữ mà ngay cả lớp diễn viên nhí của Hollywood cũng được cho là đang bị quấy rối tình dục bởi những ông trùm đạo diễn có tiếng. Corey Feldman, ngôi sao nhí thành danh qua các phim Stand by Me và The Goonies, cho biết “lạm dụng tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối hàng đầu tại Hollywood”. Ông đã xuất bản một cuốn hồi ký vào năm 2013 nói về nạn lạm dụng tình dục mà ông và cố diễn viên Corey Haim từng là nạn nhân dưới bàn tay của những người đầy quyền lực trong ngành công nghiệp điện ảnh. “Haim đã bị lạm dụng trực tiếp hơn tôi. Với tôi thì sự quấy rối này chỉ ở mức gạ gẫm nhưng với Haim, cậu ấy đã thật sự bị cưỡng bức. Việc này xảy ra khi cậu ấy chỉ 11 tuổi”. Nam diễn viên Stand by Me cho biết khi sự việc bị phanh phui, mọi người đều trách móc ông là tại sao không dám đứng lên tố cáo hành vi đồi bại đó. Feldman khẳng định ông là người đầu tiên muốn đứng lên, tuy nhiên nếu ông ra mặt tố cáo bất kỳ ai vào thời điểm đó, chính ông mới sẽ là người bị pháp luật buộc tội, bởi vì thế lực của những nhân vật tầm cỡ này có thể dễ dàng dùng để che đậy sự thật. Đạo diễn nổi tiếng Bryan Singer của series phim X-Men hồi năm 2014 cũng từng bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Tuy vụ kiện này sau đó bị bãi bỏ nhưng nó vẫn luôn được xem là vết nhơ đối với sự nghiệp của vị đạo diễn nổi tiếng này. |