Những chia sẻ của cô Pepper chẳng có gì sai ở góc độ pháp luật, cũng chẳng có vấn đề gì nếu phát ngôn đó mang tính chất trải nghiệm cá nhân. Nhưng với tư cách là một chuyên gia tâm lý thì nó đã sai về khoa học.
Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (ông Uy là thành viên - PV) có công bố bản tiêu chuẩn đạo đức hành nghề (APA Code of ethics) và tất cả thành viên hay những người khác được đào tạo đàng hoàng đều tuân thủ những tiêu chuẩn và nguyên tắc này.
Cụ thể, trong mục 5 đề cập đến “Quảng cáo và các phát biểu nơi công cộng” quy định rằng các nhà chuyên môn trong ngành tâm lý cần đảm bảo việc tuân giữ những phát ngôn của mình được dựa trên căn cứ khoa học.
Cô Pepper nói bất chấp. Cô ấy giới thiệu cô ấy lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ. Tôi đã đề nghị cô ấy công bố tấm bằng cô ấy học ở trường nào ở Mỹ nhưng cô ấy im lặng.
Khuyên người khác “làm tình trước rồi tìm hiểu sau” rất nguy hiểm, bởi không có một bằng cớ nào về mặt thực chứng cho thấy các cặp đôi làm tình trước, tìm hiểu sau sẽ có kết quả tốt đẹp hơn các cặp đôi khác. Theo nghiên cứu của Sternberg năm1986 thì trong tam giác tình yêu gồm sự thân mật, sự đam mê và sự cam kết. Trong sự đam mê có bao gồm cả khát khao tình dục. Vì vậy, từ tình dục vẫn có thể đi đến tình yêu nhưng đó sẽ là kiểu tình yêu dại dột.
Có sáu kiểu tình yêu được phân chia trong tâm lý học, tình yêu trên nền tảng sự mê đắm tình dục là kiểu tình yêu dại dột và kém bền vững nhất do thiếu sự chia sẻ và cam kết. Đây là kiểu tình yêu các bạn trẻ dễ dính vào, nếu nghe theo lời khuyên của cô Pepper nữa thì khó mà rút ra được bài học cho mình.