Tại buổi tổng kết Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2016 diễn ra ngày 16-3, Ban chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP.HCM cho biết: Chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động gắn với chương trình bình ổn thị trường phát huy hiệu quả tích cực. Hàng Việt Nam có điều kiện tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh hàng Việt từng bước khẳng định thương hiệu Việt không chỉ thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài.
Ông Lê Anh Đức, Phó tổng giám đốc Liên Hiệp HTXTM Saigon Co.op cho biết nhiều năm qua đơn vị sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất trong nước. Giúp các các cơ sở quảng bá thương hiệu mở rộng thị trường theo sự phát triển mạng lưới của Saigon Co.op với hơn 400 cửa hàng, điểm bán…Hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống là hàng Việt Nam.
Theo ông Đức, Saigon Co.op đã kết nối vùng nguyên liệu, kí kết tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh như tiêu thụ khoảng 1.500 tấn các loại thủy hải sản, gia cầm, thực phẩm chế biến khu vực Đông Nam Bộ. Tiêu thụ khoảng 1.850 tấn trái cây, thịt gia súc, gia cầm…khu vực Tây Nam Bộ.
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài, năm 2016 thông qua kênh liên doanh NTUC Fairprice (Singapore), giá trị hàng Việt xuất khẩu là 200 container các mặt hàng nông sản đông lạnh, rau củ quả.
Theo Ban chỉ đạo cuộc vận động, nhận thức của DN về tầm quan trọng của thị trường nội địa được nâng cao. Gắn với việc cải tiến các hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Các DN ý thức về việc đăng kí nhãn hiệu hàng hóa sở hữu trí tuệ, mở rộng mạng lưới phân phối đến vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên theo Ban chỉ đạo cuộc vận động, thực tế cho thấy một số DN chưa mạnh dạn đầu tư nâng cấp chất lượng sản phẩm nên nhiều sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tình trạng hàng gian hàng giả hàng nhái kém chất lượng nhất là ngành phân bón, thuốc trừ sâu, ngành hóa chất chưa được kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh uy tín thương hiệu của các DN.
Hàng giả hàng nhái khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Ông Trần Tấn Ngời, Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động cho biết thời gian tới sẽ tăng cường công tác quản lí thị trường chống buôn lậu gian lận thương mại, quản lí chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời ngăn chặn kịp thời nạn hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Rà soát kiến nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện, các cơ chế chính sách cho DN thành phố hoạt động sản xuất ổn định không trái với cam kết quốc tế.