Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa có văn bản gửi Toà Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP.HCM) thể hiện quan điểm của mình về vụ kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con mà tòa này sắp xử phúc thẩm.
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết đã cử một Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đằng giới đến tham gia buổi làm việc tại Toà Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP.HCM) để tiếp xúc, tìm hiểu tâm lý trẻ em.
Sở nhận định, hai trẻ L. và A. đều thể hiện tình cảm với mẹ nhiều hơn cha. Các cháu tự viết suy nghĩ của mình là cùng muốn sống chung với mẹ, sau khi ba mẹ ly hôn.
Căn cứ Luật Trẻ em, Sở cho rằng: “Nhằm bảo đảm việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, thì việc để cho mẹ chăm sóc nuôi dưỡng là hợp lý… Với chức năng là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho trẻ em, Sở đề nghị toà có quyết định trao hai trẻ cho mẹ là Trần Thanh Hải được quyền nuôi con”.
Mới đây, TAND TP.HCM đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm nhưng phải tạm ngừng do tình trạng sức khoẻ của người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên toà.
Bà Hải (phải) trong ngày cháu A. tốt nghiệp tiểu học. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Như PLO từng thông tin, năm 2015, TAND quận Đống Đa (TP Hà Nội) đã công nhận việc thuận tình ly hôn giữa ông ĐHT (61 tuổi, sống ở Hà Nội) và bà Trần Thanh Hải. Về con chung, hai bên thỏa thuận giao hai bé gái là cháu L. (sinh năm 2005) và cháu A. (sinh năm 2008) cho bà Hải nuôi dưỡng.
Năm 2019, ông T. gửi đơn ra TAND quận 4, TP.HCM để yêu cầu được thay đổi quyền nuôi hai con.
Ngược lại, bà Hải không đồng ý giao con cho ông T. vì hai cháu là con gái, ở tuổi dậy thì và đang học ở TP.HCM ổn định đã tám năm nay. Bà Hải cũng cho biết mình có điều kiện kinh tế để chăm lo cho các con.
Tại các buổi hòa giải tại tòa, hai cháu L. và A. đều thể hiện nguyện vọng là tiếp tục được chung sống với mẹ.
Dù vậy, TAND quận 4 nhận định ông T. hiện sống cô đơn một mình. Ông T. năm nay đã 60 tuổi, cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con lúc nhỏ, còn con cái phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già.
Từ đó, toà đã tuyên giao cháu A. cho ông T. nuôi dưỡng, còn bà Hải tiếp tục nuôi cháu L.
Sau đó, Viện trưởng VKSND quận 4 đã kháng nghị bản án, đề nghị TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T.
Ngay sau khi PLO thông tin, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã cử Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tham gia bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Thanh Hải tại phiên toà phúc thẩm.
Trao đổi với PLO, bà Trần Thanh Hải (bị đơn trong vụ án) nói đã hơn 1 năm nay kể từ ngày toà quận 4 xử sơ thẩm, bà đã phải rất nhiều lần xin nghỉ việc làm và các con phải xin vắng học để đến TAND TP.HCM.
“Toà phúc thẩm hoãn mấy lần rồi, nhiều lần đi lại cũng mệt mỏi lắm. Mẹ con chúng tôi chỉ mong muốn vụ án sớm khép lại để các con tiếp tục ở với tôi cho các cháu chuyên tâm học hành”, bà Hải nói.
(PL)- VKSND quận đã kháng nghị bản án sơ thẩm vì giao một bé gái cho người cha nuôi dưỡng dù bản thân cháu không hề mong muốn.