Như thường lệ, tiền thưởng cho họ tới tấp và mừng công cho các cầu thủ trẻ theo kiểu “khi vui thì vỗ tay vào”. Xong xuôi là HLV Đinh Thế Nam trở lại Trung tâm đào tạo trẻ PVF chờ có triệu tập thì lên tuyển, còn học trò ông về các đơn vị chủ quản một cách lặng lẽ.
Xong việc rồi lại ai về nhà nấy và nhìn U-23 đàn anh đi đá giải quốc tế.
Ảnh: CTV
Cùng thời điểm, bóng V-League lăn rộn ràng trên sân bóng khắp cả nước nhưng rất hiếm hoi có những nhà tân vô địch U-23 Đông Nam Á có suất ra sân chơi trong đội hình 1. Đồng thời, VFF cũng loan tin vào tháng 3, đội tuyển U-23 Việt Nam sẽ tham dự giải quốc tế tại Dubai để chuẩn bị cho SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà vào tháng 5 và vòng chung kết U-23 châu Á tại Uzbekistan vào tháng 6-2022. Nhưng đây lại là đội hình khác của HLV Park Hang-seo, không phải những nhà vô địch U-23 Đông Nam Á vài ngày trước.
Thực tế VFF không phải vô lý khi cử thầy trò ông Park dự giải quốc tế Dubai, do hầu hết từng vượt qua vòng loại U-23 châu Á hồi năm ngoái. Về lứa tuổi và kinh nghiệm, họ cũng hơn đội U-23 của ông Đinh Thế Nam mới vào khoảng 19-21 tuổi. Nếu có tăng cường, theo lời ông Nam, có khoảng 4-5 cầu thủ đủ sức lên đội hình của ông Park nhưng còn phải phụ thuộc vào thầy Hàn gật hay lắc do ông thường ít có thói quen sử dụng người mới.
Nghĩa là những nhà vô địch U-23 Đông Nam Á lẫn ông thầy nội Đinh Thế Nam vừa do VFF “mượn” của Trung tâm PVF ai về nhà nấy. Các cầu thủ trẻ chủ yếu về tập với đội nhỏ của CLB hoặc trung tâm thể thao chủ quản, chờ có giải thì đá hoặc khi có dịp thì có thể tái hội quân để thi đấu. Họ may ra gặt hái thành tích như vừa rồi mới có tiền thưởng, không cũng dễ chìm vào quên lãng.
Bóng đá Việt Nam vốn thiếu thốn sân chơi cho cầu thủ trẻ. Ngay cả học trò ông Park ở đội U-23 Việt Nam thứ thiệt còn khó tìm chỗ đứng ở CLB, huống hồ lứa cầu thủ của HLV Đinh Thế Nam. Rất tiếc khi chiếc huy chương vàng vừa rời khỏi cổ cũng là lúc các nhà vô địch U-23 Đông Nam Á không có đất dụng võ và mất hút.