Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị đề xuất cấp mỏ không qua đấu giá vì thiếu vật liệu san lấp

(PLO)- Để giải quyết vấn đề thiếu vật liệu san lấp, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị đề xuất UBND tỉnh khoanh định khu vực không đấu giá mỏ đất san lấp phục vụ các dự án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-1, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa có đề xuất gửi UBND tỉnh về việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn.

Thiếu vật liệu san lấp
Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị đề xuất hai giải pháp giải quyết vấn đề thiếu vật liệu san lấp. Ảnh: NGUYỄN DO

Đến nay, toàn tỉnh có 66 mỏ đất làm vật liệu san lấp được phê duyệt vào quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 với tổng diện tích 948,11 ha, tổng tài nguyên dự báo 50,715 triệu m3. Đất do hộ gia đình quản lý chiếm khoảng 85%.

Năm 2022, Sở TN&MT đã chủ trì, tổ chức đấu giá 27 mỏ đất làm vật liệu san lấp, có 16 mỏ trúng đấu giá. Cho đến nay, có 10 mỏ đất làm vật liệu san lấp trúng đấu giá (tài nguyên dự báo khoảng 11,845 triệu m3) nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò đến Sở TN&MT.

Rà soát tổng nhu cầu năm 2023 là khoảng 4,22 triệu m3 nhưng chỉ có thể cung cấp 0,83 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu đất san lấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công và chậm tiến độ nhiều công trình.

Đầu năm 2024, khi có thêm các mỏ Hải Lệ 4, Vĩnh Sơn 6, Vĩnh Thủy 1, Vĩnh Long và Triệu Thượng được cấp phép, nếu không tính từ nguồn nạo vét lòng hồ và cân đối đào đắp thì nguồn từ 11 mỏ được cấp phép cũng chỉ đạt 1,371 triệu m3.

Vì vậy, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết, để kịp thời đáp ứng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các dự án mà tỉnh đã, đang và sẽ triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Sở này đã đề xuất UBND tỉnh với hai giải pháp.

Thứ nhất, khoanh định khu vực không đấu giá mỏ đất san lấp phục vụ các dự án phát triển hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện; khắc phục thiên tai; xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Việc này phù hợp với quy định của Điều 22, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; Điều 78, 82 của Luật Khoáng sản năm 2010.

Thứ hai, cho phép cải tạo mặt bằng đất ở, cải tạo đất nông nghiệp và tận dụng đất làm vật liệu san lấp. Giải pháp này phù hợp với quy định Điều 9, 166, 170 của Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm