Các trang mạng xã hội tạo ra những diễn đàn để chúng ta chia sẻ trên Internet, từ các mối quan hệ cá nhân đến các quan điểm chính trị, từ hình ảnh thú cưng đến các sự kiện chính trị, xã hội. Tuy nhiên, những gì mà chúng ta chia sẻ trên các trang mạng như Facebook, Instagram hay các diễn đàn mạng cũng có thể trở thành những chứng cứ quan trọng phục vụ cho việc thực thi pháp luật.
Chia sẻ “quá đà” cũng phải ngồi tù
Trả lời hãng tin CNN, Bradley Shear, một luật sư chuyên về mạng xã hội tại Washington, cho biết trong các vụ án hình sự đa số tư liệu có thể thu thập được trên mạng xã hội đều có tiềm năng trở thành chứng cứ để tiến hành bắt giữ hoặc buộc tội nghi phạm.
Tại Mỹ, cơ quan hành pháp có thể xin trát của tòa để buộc các công ty mạng xã hội cung cấp những nội dung đã bị nghi phạm xóa khỏi tài khoản cá nhân. Susan Rozelle, chuyên gia về chứng cứ và luật hình sự tại ĐH Stetson bang Florida, bình luận dí dỏm: “Ngày nay đã có thành ngữ mới, đó là đừng đăng lên Facebook những điều mà bạn không dám cho mẹ bạn và cảnh sát khu vực biết đến”.
Tháng 2-2013, Richard Godbehere, một thành viên trên diễn đàn, chia sẻ video cá nhân LiveLeak, đã đăng tải một đoạn phim dài năm phút quay cảnh ông vừa lái xe một đoạn rồi dừng xe nốc một chai bia trước khi tiếp tục lái xe. Trong đoạn phim, Richard đã tự tin nói rằng: “Vừa lái xe vừa uống bia là vi phạm pháp luật. Nhưng chả ai cấm lái xe rồi sau đó uống chút bia cả”.
Chỉ ít ngày sau đó, Richard bất ngờ “chào đón” cảnh sát đến trước cửa nhà mình tại hòn đảo Hawaii. Ông bị bắt giữ với cáo buộc “sử dụng đồ uống có cồn trong khi đang sử dụng phương tiện giao thông” và thêm cả tội danh lái xe mà không mang theo bằng lái. Trả lời phỏng vấn của hãng CNN, Richard thảng thốt nói rằng đoạn phim ông quay chỉ là đóng giả và thật ra trong chai không có chứa bia, rượu gì cả.
Tuy nhiên, phía cảnh sát Hawaii vẫn cương quyết đưa ông ra tòa và để cho bồi thẩm đoàn cùng quan tòa quyết định liệu ông có đáng phải ngồi tù hay không. Darryl Perry, cảnh sát trưởng thị trấn Kaua’I bang Hawaii, cho biết: “Không phải khi không mà chúng ta viết ra luật giao thông. Việc ông Godbehere ngang nhiên xem thường pháp luật là một hành động không thể nào bỏ qua và xem nhẹ được”.
Bộ Quốc phòng Anh đang đau đầu vì tình trạng quân nhân rò rỉ bí mật quân sự thông qua các đăng tải trên Facebook. Ảnh: ALAMY
Đe dọa trên mạng đừng mong thoát tội
Mới đầu năm 2016, cảnh sát TP Memphis đã cho đăng tải thông tin truy nã chủ một tài khoản Facebook vì cáo buộc đăng bài viết đe dọa giết chết chính con sơ sinh của mình. Trong khi đó, một phụ nữ khác tại bang Atlanta cũng bị bắt giữ vào ngày 5-1 vì đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân bài viết “kêu gọi” tất cả người da đen “vùng lên” bắn hạ mọi cảnh sát viên người da trắng trong khu vực. Cô còn khẳng định đã bắt đầu lập kế hoạch và “tự tin” cho rằng trong một đêm sẽ hạ gục được ít nhất 15 sĩ quan cảnh sát. Chỉ một ngày sau, người phụ nữ này đã bị cảnh sát hạt East Point bắt giữ và hiện đang chờ xét xử vì cáo buộc lan truyền các thông tin liên quan đến đe dọa khủng bố.
Tuy nhiên, nhiều người thậm chí vẫn vướng vòng lao lý khi đăng tải những hình ảnh trái pháp luật mà chẳng phải do mình gây nên. Tại TP Montreal (Canada), Jennifer Pawluck bị bắt chỉ vài ngày sau khi cô đăng trên trang chia sẻ ảnh Instagram bức tranh graffi vẽ một quan chức cảnh sát Montreal với một vết đạn trên đầu. Theo cảnh sát Montreal, cô gái bị cáo buộc tội quấy rối và đe dọa hình sự.
Trả lời kênh truyền hình CBC (Canada), cô ấm ức cho rằng đáng lẽ cảnh sát phải bắt giữ tác giả của bức tranh chứ không phải một người “vô tội” chụp ảnh như cô. Các chuyên gia pháp lý tại Canada cho biết các hình ảnh hay đoạn phim được đăng tải công khai trên mạng hoặc được bí mật thu thập bởi cảnh sát để làm chứng cứ buộc tội đều phải được xác minh là không bị chỉnh sửa hay dàn dựng.
Vào năm 2014, Tòa án Tối cao Mỹ đã tiến hành cân nhắc lại về quyền tự do phát biểu của những người sử dụng ngôn từ mang tính bạo lực và đe dọa trên các trang mạng xã hội như Facebook. Trong hơn 40 năm, Tòa án Tối cao Mỹ luôn cho rằng những “lời đe dọa nghiêm túc” gây hại đến người khác sẽ không được nằm trong khuôn khổ bảo vệ của Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan tối cao trong hệ thống tư pháp Mỹ cũng cẩn thận không muốn nhầm lẫn những lời đe dọa nghiêm trọng với những lời nói “đao to búa lớn” nhưng không nhằm mục đích gây hại. Trong khi đó, những phát biểu trên mạng xã hội lại thường mập mờ về ý định thực sự của người đăng.
Việc sử dụng các trang Facebook để kêu gọi biểu tình bị chính quyền Ai Cập xem là đe dọa an ninh quốc gia. Ảnh: AP
Đụng chạm “chuyện quốc gia”
Tại một số nước, việc bị lãnh án tù vì sử dụng mạng xã hội vi phạm các vấn đề “quốc gia đại sự” không phải là chuyện lạ. Mới ngày 2-1 vừa qua, chính quyền Ai Cập đã tuyên bố bắt giữ ba người với cáo buộc tham gia quản lý 23 trang Facebook “kích động chống đối hiến pháp quốc gia”.
Các cơ quan chức năng đã buộc phải ra tay khi làn sóng kêu gọi biểu tình vào ngày 25-1 trên mạng xã hội tăng cao. Các trang mạng xã hội, cụ thể là Facebook và Twitter, đều từng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc lật đổ chính quyền nhà lãnh đạo độc tài Ai Cập Hosni Mubarak vào 25-1-2011, cũng như nhiều cuộc biểu tình khác tại quốc gia Bắc Phi này trong những năm gần đây. Tổng thống đương nhiệm của Ai Cập, ông Abdel-Fattah el-Sissi, cảnh báo việc tái diễn những cuộc biểu tình tương tự đe dọa, đẩy Ai Cập quay trở lại tình trạng hỗn loạn trước kia.
Còn tại Myanmar, người “mỉa mai” các vấn đề lịch sử trên mạng xã hội cũng có thể nhận án tù. Cảnh sát Myanmar ngày 28-2-2015 đã cho bắt giữ PV Aung Nay Myo vì tội đăng tải trên Facebook một thông điệp “mỉa mai” trận đánh giữa quân chính phủ và phiến quân vào năm 1971. PV này đã vi phạm Đạo luật Tình trạng khẩn cấp năm 1950 cấm xuyên tạc chính phủ. Được biết bài viết trên mạng của Aung Nay Myo khẳng định rằng trận đánh năm 1971 đã được chỉ huy bởi Thein Sein, Tổng thống đương nhiệm của chính quyền Myanmar.
Ebony Dickens (giữa) bị bắt giữ vì kích động hành vi mang tính khủng bố trên trang Facebook cá nhân. Ảnh: AP
Lộ bí mật quân sự qua Facebook
Trong khi đó, giới lãnh đạo quân đội Anh cũng đang đau đầu vì tình trạng các quân nhân nước này làm rò rỉ thông tin bí mật chiến dịch và an ninh quốc gia trên các trang mạng xã hội. Theo tờ Telegraph, điều tra của Bộ Quốc phòng Anh cho biết các quân nhân nước này thường xuyên làm lộ các thông tin về thời gian tuần tra, chi tiết diễn biến các đợt chuyển quân “nhạy cảm” và hình ảnh của các khu vực cấm trên các trang mạng xã hội.
Thậm chí các thông tin về tàu ngầm Anh, hình ảnh con người và trang thiết bị quân sự tại Afghanistan và Lybia cũng bị binh sĩ đăng tải trên các trang mạng xã hội có khả năng lan tỏa cao như Facebook, Twitter và Instagram. Từ năm 2011 đến 2013, quân đội Anh đã ghi nhận 11 trường hợp làm rò rỉ thông tin mật lên mạng xã hội. Năm 2011, một quân nhân đã cho đăng tải ảnh cá nhân của mình chụp trong một địa điểm mật của Bộ Quốc phòng lên trang Facebook. Hệ quả là quân nhân này bị đình chỉ công tác ngay khi thông tin này đến tai cơ quan chức năng.
Tai hại nằm ở chỗ là với tính năng GPS được tích hợp “tiện nghi” trong các công cụ như Facebook, mọi bức ảnh hay các dòng trạng thái mà các quân nhân này đăng tải đều có khả năng tiết lộ chính xác địa điểm bí mật mà họ đang dừng chân. Điều này làm các sĩ quan chỉ huy của Bộ Quốc phòng Anh vô cùng đau đầu và buộc phải đẩy mạnh kỷ luật “mạng xã hội” trong các đơn vị quân đội và các tổ chức dân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong năm 2007, một nhóm lính Mỹ đã chụp ảnh điểm đáp phi đội trực thăng tại Iraq và vô tình cung cấp tọa độ cho kẻ địch khi họ đăng tải ảnh lên Facebook cá nhân. Các phần tử phiến quân đã nã pháo vào căn cứ này và phá hủy bốn chiếc trực thăng AH-64 Apaches của Mỹ.