Mặc dù thầy Hàn không nói thẳng ra nhưng ai cũng ngầm hiểu sự đổi thay cơ bản ấy của tuyển có thể thành công nhưng cũng có thể sẽ không tránh khỏi thất bại.
Sự nghiệp của ông Park đã từng trải qua nhiều thăng trầm nên với bản thân ông chẳng có gì quá quan trọng. Nhớ lần ông kể khi mới đặt chân đến Việt Nam, ông nghiên cứu kỹ các đời thầy ngoại tính bình quân mỗi người không trụ lại quá tám tháng là từ chức hoặc bị VFF sa thải. Cho nên ông Park ngày đó chỉ ao ước tồn tại một năm là cũng đã thành công hơn so với những HLV tiền nhiệm.
Chính bản thân thầy Hàn còn không ngờ mình đạt nhiều chiến tích ngoài sức tưởng tượng và kéo dài hơn rất nhiều dự tính. Trong tám giải đấu chính thức hơn hai năm qua, ông Park gặt hái thành tích với riêng bóng đá Việt Nam bảy giải, một thua ở vòng chung kết U-23 châu Á gần nhất, thừa sức cho ông ngẩng cao đầu trong một thời gian dài nữa.
Nhờ sự bay bổng của những thành quả đã giành được, ông Park ít gặp ánh mắt khe khắt của mọi giới dù mới bị biến thành cựu á quân ở giải trẻ châu Á. Nhưng ông thừa hiểu sự rộng lượng của số đông chỉ có tính thời điểm, khi mà những chiến tích vẫn còn chưa phai nhạt trong tâm trí dư luận.
Tuy nhiên, HLV Park Hang-seo cho thấy ông rất tinh ý lúc nhìn nhận sự cuồng nhiệt của người yêu bóng đá dành cho ông và các học trò nhưng chỉ là yêu những trận thắng. Đấy là đặc thù chí tử của bóng đá Việt Nam, không hẳn chỉ riêng giới hâm mộ trộn lẫn thành phần ăn theo phong trào, mà còn ăn sâu vào cá tính của những nhà quản lý. VFF lâu nay thường cho thấy khả năng khi vui thì vỗ tay vào nhưng lúc buồn dễ cuốn theo chiều gió của dư luận mà thiếu góc nhìn thấu đáo lẫn sự chia sẻ với thầy ngoại.
Cả chục chuyên gia ngoại từng chia tay trước thời ông Park, phần lớn có sự nghiêng ngả của VFF trước áp lực dữ dội của giới chuyên môn và hâm mộ. Chắc hẳn HLV Park Hang-seo thừa hiểu và ngại ngùng điều đó nhưng vẫn nỗ lực thay đổi trên các đội tuyển, với mong muốn sự thông cảm lẫn kiên nhẫn hơn từ người yêu bóng đá cùng cấp trên VFF.