Hành xử đúng khi gặp các hội chứng hậu COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-3, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức chương trình tọa đàm Hiểu đúng về hội chứng hậu COVID-19.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, BV Tâm thần TP.HCM, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã chia sẻ cho bạn đọc thực hành một số kỹ năng cơ bản để có thể tự chăm sóc sức khỏe tại nhà sau khi nhiễm COVID-19, bao gồm chế độ dinh dưỡng, vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe - khám sức khỏe định kỳ, các hoạt động thể dục thể thao...

Bạn đọc có thể xem lại toàn bộ buổi tọa đàm TẠI ĐÂY 

--------------------------------------------------

Lo ngại xơ phổi sau khi mắc COVID-19

Nhiều người lo ngại COVID-19 có thể gây xơ phổi khiến phổi “trắng xóa”.TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa nội hô hấp cơ xương khớp, BV Nhân dân Gia Định, cho biết tình trạng xơ phổi hậu COVID-19 có tỉ lệ nhỏ và không quá phổ biến, không phải tất cả bệnh nhân đều bị. Xơ phổi có khả năng gặp ở những đối tượng bệnh nặng, bệnh nhân cần nhập viện, bệnh nhân có suy hô hấp cần thở máy hoặc can thiệp hỗ trợ hô hấp, can thiệp ECMO, bệnh nhân có hội chứng viêm phổi cấp tiến triển ARDS, có bệnh phổi nặng trước đó, viêm phổi… Viêm phổi rất đa dạng như viêm phổi tổ chức hóa, xơ phổi, viêm phổi giãn phế quản, tùy mức độ nặng và đáp ứng của cơ thể có thể dẫn đến xơ phổi. Nhiều trường hợp tổn thương phổi được điều trị đều có thể cải thiện.

TS Thu Hương khuyến cáo nếu bệnh nhân ở trong nhóm nguy cơ kể trên, khi xuất viện, bác sĩ sẽ chỉ định cần kiểm tra lại, tùy theo dấu hiệu nghi ngờ mà bệnh nhân được cho chụp X-quang phổi và xét nghiệm cần thiết.

Nếu người mắc bệnh COVID-19 nhẹ và cảm thấy hoàn toàn bình thường, làm việc không cảm thấy khó thở, nồng độ ôxy bình thường thì không nhất thiết phải chụp X-quang phổi.

Một vấn đề được nhiều người dân quan tâm là sau khi khỏi COVID-19, nhiều người vẫn còn ho kéo dài. TS Thu Hương cho rằng đây là triệu chứng thông thường sau khi khỏi bệnh. Đây là phản ứng phản vệ của đường hô hấp, tống xuất đàm nhớt, chất dơ trong phổi và phế quản.

“Biện pháp giảm ho là uống nhiều nước hoặc ngụm nước ấm nhỏ, có những động tác nuốt giảm ho khan, uống đủ nước, uống nước ấm. Có bài tập kiểm soát cơn ho, ví dụ thở cơ hoành như người tập yoga, khí công kiểm soát ho mà ho không mệt. Nếu ho và kèm sốt, mệt, khó thở đo ôxy thấp hoặc vừa khỏi, khỏi COVID-19 nặng mà nhập viện, bị viêm phổi cấp tính khi chữa COVID-19 nhưng thấy ho vẫn kéo dài trên ba tuần thì lúc đó đi khám tùy mức độ nặng nhẹ. Sau khi khỏi COVID-19 vẫn ho một thời gian nhưng đàm trong vẫn là bình thường và sẽ bớt dần theo thời gian.

Các chuyên gia giải đáp hàng loạt thắc mắc về hội chứng hậu COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

Uống xuyên tâm liên có chữa hậu COVID-19?

Tại tọa đàm, ThS-BS Nguyễn Văn Đàn, Phó Trưởng Khoa y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM, đã có những giải thích cặn kẽ cho người dân về việc tìm đến các phương pháp chữa bệnh theo y học cổ truyền.

Giải đáp việc người dân tìm lá xuyên tâm liên chữa trị các triệu chứng hậu COVID-19, ThS Đàn cho biết: Xuyên tâm liên là vị thuốc có vị đắng tính lạnh, có khả năng thanh nhiệt giải độc ở phế, tì vị và đại trường. Đây là vị thuốc “hot” hỗ trợ điều trị COVID-19 cấp trong giai đoạn đầu chưa có nhiều phương pháp và hiểu rõ về bệnh này. Người bệnh phải được chẩn đoán có tích nhiệt ở phế, đại trường thì sử dụng mới hiệu quả. Nếu người bệnh không tích nhiệt mà sử dụng kéo dài có nguy cơ làm thay đổi tính hàn nhiệt của cơ thể, làm mất sự quân bình âm dương, tổn thương dương khí do tích yếu tố hàn nhiều hơn. Người bệnh dễ xuất hiện tiêu chảy, đầy bụng không rõ lý do, người ớn lạnh, sợ lạnh, lạnh hai đầu gối xuống chân nhiều hơn không rõ lý do...

Tuy nhiên, ở giai đoạn hậu COVID-19, các tài liệu y học cổ truyền không khuyến cáo sử dụng xuyên tâm liên dựa trên luận chứng giai đoạn hậu COVID-19, cơ thể hư, tổn thương khí huyết, thay đổi hàn nhiệt, nên sử dụng thuốc bổ nhiều hơn, không phù hợp sử dụng xuyên tâm liên vốn dùng điều trị giai đoạn cấp của COVID-19 với các triệu chứng nhiệt, nóng sốt, mặt đỏ, môi khô...

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (bìa phải), cảm ơn các chuyên gia và nhà tài trợ tham gia tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đối với tình trạng khi dương tính thì ăn rất ngon miệng nhưng âm tính rồi lại cảm thấy chán ăn, ThS Đàn cho rằng bệnh lý COVID-19 có nhiều biểu hiện khác nhau. Cơ thể cần thời gian 2-4 tuần để phục hồi. Trong thời gian này, người dân nên điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, ăn uống, chế độ tập luyện, lắng nghe cơ thể, cho cơ thể tự phục hồi.

“Chúng ta nên sử dụng các thực phẩm đặc trị trong Đông y, dưỡng vị giúp ăn uống ngon miệng hơn như sử dụng hạt sen, cà rốt. Người ăn chay nên kết hợp với các loại nấm, thức ăn ấm. Sau giai đoạn cấp, khí huyết thường bị ảnh hưởng, ăn ấm giúp ôn dưỡng lại tì vị” - ThS Đàn hướng dẫn.

Nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay lại BV để điều trị. Trong đó ba triệu chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy có 33%-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất sáu tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng hai tháng sau xuất viện. 

Lắng nghe tín hiệu, cảm xúc của cơ thể

Một vấn đề nhiều người gặp phải sau khi mắc COVID-19 là rối loạn tâm lý hậu COVID-19, đặc biệt là chứng sương mù não. ThS-BS CK1 Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng Khoa tâm lý y học, BV Tâm thần TP.HCM, cho biết theo các nghiên cứu, hội chứng sương mù não có ảnh hưởng sức khỏe về mặt nhận thức, diễn ra dưới nhiều mức độ khác nhau, ảnh hưởng cuộc sống. Có người chỉ đơn giản là giảm khả năng tập trung chú ý như quên chìa khóa, đang nói quên từ như công việc MC, thậm chí một số trường hợp còn bị lú lẫn.

Theo ThS Thụy Vy, để xác định người bệnh thực sự có bị sương mù não hay không thì cần nên đi khám chuyên khoa, khai thác bệnh sử và làm thêm các trắc nghiệm tâm lý thần kinh, thang đánh giá mức độ suy giảm nhận thức.

Tuy nhiên, theo ThS Thụy Vy, nếu hiện tượng quên chỉ mới xảy ra, chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, người bệnh không nhất thiết phải đi khám liền mà có thể tự điều chỉnh chế độ ăn, ngủ, vận động, ghi nhớ. Chẳng hạn, có việc gì cần làm thì bắt tay vào làm liền, không cần ghi nhớ trong não. Những việc cần trì hoãn thì có thể sử dụng sổ hoặc phần mềm trong điện thoại để ghi nhớ, tăng cường các hoạt động kích thích não bộ như chơi trò chơi, giải câu đố. Ngoài ra, người bệnh cũng phải học cách điều hòa cảm xúc, mỗi lần quên không nên lo lắng và lo sợ bị đánh giá, cố gắng hít thở và suy nghĩ chậm lại sẽ giúp bình tĩnh hơn.

Liên quan đến vấn đề người bệnh thay đổi tâm lý sau khi mắc COVID-19, ThS Thụy Vy nhìn nhận đây là vấn đề phổ biến và đã có nghiên cứu. Đặc biệt, tình trạng sang chấn, khủng hoảng tinh thần xảy ra ở những người mắc COVID-19 nặng, cần điều trị hồi sức tích cực xảy ra nhiều hơn do họ chứng kiến những sự việc tiêu cực xảy ra như bản thân mắc bệnh nặng, dây nhợ xung quanh, người bệnh xung quanh lần lượt tử vong… Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những người vốn đã nhạy cảm, khi mắc thêm bệnh lý mới dễ làm kích hoạt sức khỏe tâm lý tiềm ẩn.

Theo ThS Thụy Vy, nếu tình trạng còn mới, chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, người bệnh có thể tự điều chỉnh, lắng nghe tín hiệu, cảm xúc của cơ thể. Khi buồn giận, tạm thời nên dừng lại, chẳng hạn “đánh trống lảng” bằng cách bước ra ngoài uống nước nếu ở trong cuộc họp căng thẳng và tập các bài tập “thở cơ hoành”. Đây là cách thở thường xuyên được dùng trong liệu pháp tâm lý, giúp kéo tâm trí về cơ thể gọi là hợp nhất thân tâm, giúp suy nghĩ của mình “sáng ra”, nhìn thoáng ra những khía cạnh khác.

ThS Thụy Vy nhìn nhận bất ổn cảm xúc lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ, đảo lộn cuộc sống. Nếu thực hành lắng nghe cơ thể, điều hòa cảm xúc không ổn mà các triệu chứng càng tăng dần thì người bệnh có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ tư vấn, để được đồng hành, đánh giá và áp dụng các liệu pháp can thiệp, có thể cần phải sử dụng thuốc điều trị.

Không thành lập thêm BV và các khoa điều trị COVID-19, hậu COVID-19

Hành xử đúng khi gặp các hội chứng hậu COVID-19 ảnh 3

Liên quan đến chính sách chăm sóc người bệnh hậu COVID-19, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tham dự tọa đàm trực tuyến, cho biết ngành y tế cũng như công luận rất quan tâm đến vấn đề hậu COVID-19.

Theo ông Khuê, về nguyên tắc, các bệnh bao giờ cũng trải qua các giai đoạn trước, trong và sau khi khỏi bệnh thì hậu COVID-19 cũng thế.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước xây dựng hướng dẫn phục hồi chức năng các cơ quan sau khi mắc COVID-19 cho người dân. Các cơ sở khám chữa bệnh có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, trong đó có những biện pháp không cần dùng thuốc.

Bộ Y tế cũng giao cho BV Tâm thần trung ương là BV đầu ngành hướng dẫn các vấn đề tâm lý hậu COVID-19 cho người dân.

Ông Khuê khẳng định người dân khi có triệu chứng hậu COVID-19 ở cơ quan nào thì khám tại chuyên khoa đó, không cần thành lập thêm BV hoặc khoa điều trị hậu COVID-19 riêng. Các khoa đều có thể tham gia điều trị, phục hồi chức năng sau khi mắc COVID-19 cho người dân và người dân vẫn được hưởng các chế độ khám chữa bệnh như thông thường.

Để người dân tự tin sinh hoạt và làm việc trong tình hình mới

Hành xử đúng khi gặp các hội chứng hậu COVID-19 ảnh 4

Theo chủ trương và các nghị quyết của Chính phủ, chúng ta phải sống linh hoạt thích ứng với COVID-19. TP.HCM đã trải qua một năm nhiều thiệt hại và đau thương do COVID-19, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng, việc giãn cách đã đảo lộn đời sống của chúng ta trong thời gian dài.

Với sự bao phủ vaccine hiện nay, tỉ lệ tử vong và di chứng nặng do COVID-19 gây ra đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, từng ngày, từng giờ báo Pháp Luật TP.HCM và các cơ quan truyền thông khác vẫn nhận được câu hỏi thắc mắc của đông đảo người dân về việc gặp phải và chữa trị các di chứng hậu COVID-19.

Nhiều người dân do lúng túng đã tự mình chữa trị các triệu chứng này theo kinh nghiệm hoặc mách nước từ người không có chuyên môn, hoặc tự mua thuốc uống càng làm tình trạng thêm trầm trọng. Có người do quá sợ hãi các hội chứng hậu COVID đã cố thủ, thụ động trong các tương tác xã hội làm giảm chất lượng sống của mỗi người. Tọa đàm với mong muốn tiếp tục cung cấp cho người dân hiểu và hành xử đúng khi gặp các hội chứng hậu COVID-19, tự tin sinh hoạt và làm việc trong tình hình mới như chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Ông NGUYỄN ĐỨC HIỂNPhó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM 

TS-BS LÊ THỊ THU HƯƠNGTrưởng Khoa nội hô hấp cơ xương khớpBV Nhân dân Gia Định:

Đột quỵ do cục máu đông, nhồi máu cơ tim hậu COVID-19?

Hành xử đúng khi gặp các hội chứng hậu COVID-19 ảnh 5

Hiện tượng đột quỵ do cục máu đông hoặc gặp biến cố tim mạch sau khi mắc COVID-19 là có gặp phải nhưng chỉ ở một số đối tượng. COVID-19 cũng có hiện tượng làm tăng đông máu và chỉ thường gặp ở những bệnh nhân nặng phải nằm viện ở đơn vị hồi sức tích cực, nằm bất động hoặc có thêm các bệnh nền cũng làm nguy cơ tăng đông như ung thư, béo phì, ít vận động hoặc có bệnh lý đông máu trước đó. Tuy nhiên, không phải tất cả đối tượng này đều bị. Nếu hoàn toàn không có những yếu tố nguy cơ trên thì người dân không quá lo lắng nhưng nếu sau một đợt mắc COVID-19 nặng hoặc có triệu chứng mới như ngất, nhịp tim nhanh khó thở, hồi hộp, ngất, đánh trống ngực thì cần phải tái khám để kiểm soát các nguy cơ. Nếu bệnh nhân mắc COVID nhẹ và không nằm trong nhóm nguy cơ thì không cần lo lắng, tuy nhiên phải duy trì chế độ ăn uống đủ chất, uống đủ nươc, duy trì hoạt động hằng ngày, tập luyện giảm cân, đừng để cơ thể bất động lâu như ngồi một chỗ, ngồi bàn giấy.

ThS-BS NGUYỄN VĂN ĐÀNPhó Trưởng Khoa y học cổ truyềnĐH Y Dược TP.HCM:

Không nên tự mua vị thuốc tử hà sa

Hành xử đúng khi gặp các hội chứng hậu COVID-19 ảnh 6

Người dân không nên tự tìm mua vị thuốc tử hà sa để chữa ho hậu COVID-19. Tử hà sa là vị thuốc y học cổ truyền có tác dụng ích khí, dưỡng huyết sử dụng cho những trường hợp suy yếu, bệnh lý mạn tính thuộc pháp bổ của y học cổ truyền. Tuy nhiên, tử hà sa là nhau thai người, thuộc nhóm rác thải của Bộ Y tế cần kiểm soát để tiêu hủy.

Hiện nay, tử hà sa sử dụng trên thị trường không thể kiểm soát được nguồn gốc, xử lý như thế nào nên có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cao. Do vậy, tử hà sa chữa ho hậu COVID-19 không khuyến cáo vì nguy cơ nguy hiểm cao hơn lợi ích nó mang lại. Nếu có triệu chứng hụt hơi, sợ lạnh, đoản khí, người dân hãy đến nơi có thầy thuốc y học cổ truyền có đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, những cơ sở y tế tin cậy để được thăm khám và chỉ định những bài thuốc bổ khí phù hợp.

ThS-BS CK1 GIANG NGỌC THỤY VY, Trưởng Khoa tâm lý y học, BV Tâm thần TP.HCM:

Vệ sinh giấc ngủ, tránh rối loạn

Hành xử đúng khi gặp các hội chứng hậu COVID-19 ảnh 7

Sau giai đoạn nhiễm trùng hay căng thẳng do bệnh thì cơ thể có phản ứng viêm, ít nhiều ảnh hưởng đến cơ thể, đặc biệt là tình trạng rối loạn giấc ngủ mà nhiều người gặp phải sau khi mắc COVID-19: Ngủ không sâu, khó ngủ, ban ngày ngủ bù hoặc ngồi đâu ngủ đó.

Để khắc phục tình trạng này, cần thực hiện các hoạt động hỗ trợ giấc ngủ hoặc vệ sinh giấc ngủ như lập lại thời gian biểu thức ngủ đều đặn, ban ngày có thể tranh thủ chợp mắt buổi trưa hoặc có nhiều thời gian thì ngủ đủ chu kỳ 1,5 tiếng.

Trước khi ngủ nửa tiếng đến 1 tiếng nên thực hiện một số hoạt động thông báo cho não biết “tôi chuẩn bị ngủ rồi” như không xem tivi, không sử dụng thiết bị điện tử, có thể tắm nước ấm cho cơ thể thoải mái, quần áo ngủ rộng rãi thoải mái. Có thể dành 20-30 phút ghi chép những điều tích cực trong ngày để có cảm xúc dễ chịu trước khi ngủ, lập kế hoạch cho ngày mai, tránh bước lên giường còn nghĩ mai sẽ làm gì. Bạn cũng có thể đọc sách nhẹ nhàng trước khi ngủ hoặc tập một vài động tác nhẹ trên giường giúp căng giãn cơ, khi đặt lưng xuống thì thả lỏng hết toàn bộ cơ thể, hít sâu thở chậm, tâm trí nằm ở hơi thở cũng sẽ giúp giảm căng thẳng.

Dược sĩ TRẦN QUỐC PHÚCông ty cổ phần GONSAđơn vị phân phối Molnupiravir Stella tại Việt Nam:

Không tự ý ngưng thuốc sau 2-3 ngày điều trị

Hành xử đúng khi gặp các hội chứng hậu COVID-19 ảnh 8

Quá trình điều trị F0 lần đầu và tái nhiễm không liên quan nhiều với nhau. Mỗi lần điều trị sẽ được coi là một lần mắc bệnh mới. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình và có đi kèm một yếu tố nguy cơ tăng nặng cần dùng Molnupiravir 800 mg mỗi 12 giờ trong vòng năm ngày.

Nếu người bệnh khởi phát các triệu chứng sau năm ngày thì không nên dùng Molnupiravir do thuốc chỉ phát huy tác dụng trong giai đoạn sớm của bệnh.

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc đủ năm ngày liên tiếp thì chúng ta nên ngưng thuốc vì lúc này phần lớn virus đã được tiêu diệt, đồng thời cơ thể cũng đã tạo ra được các kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn virus còn lại trong cơ thể. Và nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những virus khi được đưa ra để nuôi cấy lại không thể sống được. Đặc biệt, việc người dân thấy triệu chứng giảm thì tự ý ngưng thuốc sau hai đến ba ngày điều trị là không nên.

Thị trường hiện tại có rất nhiều loại thuốc Molnupiravir. Tuy nhiên, chỉ có ba thuốc được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam là Molnupiravir Stella, Molravir của dược phẩm Boston Việt Nam và Movinavir của Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar sản xuất.

Duy nhất sản phẩm Molnupiravir Stella được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn châu Âu và được nhượng quyền bởi MSD (công ty phát minh ra hoạt chất Molnupiravir) thông qua tổ chức bằng sáng chế thuốc MPP nhờ vào quá trình thẩm định năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm gắt gao.

Ngoài ra liều lượng viên 400 mg giúp nhiều bệnh nhân hơn tuân thủ điều trị, giảm số viên phải sử dụng một ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm