Suýt mất quyền kháng cáo vì chờ bản án

Theo cáo trạng của VKSND huyện Mang Yang, Gia Lai, tháng 3-2014, Ngô Trọng Tài (sinh năm 1997) và Trương Hồng Thương (sinh năm 1994) cùng trú xã H’Ra bị truy tố về tội hủy hoại tài sản. Cụ thể, hai bị cáo đã có hành vi dùng kéo và liềm cắt 335 trụ tiêu của một người dân trong vùng, gây thiệt hại 37,5 triệu đồng. Sau đó hồ sơ được chuyển đến TAND cùng cấp để xét xử, Tài được tại ngoại còn Thương bị tạm giam.

Tòa phải gửi bản án cho bị cáo

Ngày 15-3 vừa qua, TAND huyện Mang Yang đã xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Tài chín tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Thương bị phạt 18 tháng tù giam cùng về tội hủy hoại tài sản. Sau khi xử sơ thẩm, với sự hỗ trợ của trại tạm giam, Thương đã làm đơn kháng cáo kêu oan.

Tài cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng kêu oan nhưng do được tại ngoại nên bị cáo chờ khi có bản án sơ thẩm thì mới nộp đơn kháng cáo. Trong khi luật quy định thời hạn kháng cáo với bị cáo là 15 ngày kể từ ngày tòa sơ thẩm tuyên án. Chờ đến ngày thứ 15 vẫn không thấy TAND huyện gửi bản án về địa chỉ thường trú của mình nên ngày 30-3 Tài đã lên tòa hỏi xin bản án. Tại đây thư ký phiên tòa sơ thẩm cho biết chưa có bản án và hẹn bị cáo đến ngày 3-4 (tức thứ Hai tuần tới) lên tòa lấy. Nhưng theo bị cáo nếu chờ đến tuần tới thì sẽ hết thời hạn kháng cáo bản án, sự chậm trễ của tòa sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bị cáo Tài trình bày: “Tôi không phá tiêu của ai. Tôi bị kết tội oan nên phải kháng cáo để nhờ TAND tỉnh xem xét. Nhưng nếu không có bản án sơ thẩm thì không thể nhớ được nhận định của tòa để nêu yêu cầu kháng cáo cụ thể…”.

Bị cáo Ngô Trọng Tài (trái) trình bày sự việc. Ảnh: LQL

Luật sư Lê Đình Quốc (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai) cho rằng theo quy định tòa phải có trách nhiệm giao bản án đến địa chỉ cư trú cho bị cáo bằng cách tống đạt trực tiếp hoặc mời bị cáo (nếu tại ngoại) đến nhận. Tòa có thể gửi bản án qua đường bưu điện nhưng phải trong thời hạn này. Trong vụ này bị cáo Tài đã chờ đến ngày thứ 15 (ngày cuối cùng của hạn kháng cáo) mà vẫn chưa nhận được bản án thì có thể do lỗi của TAND huyện.

Cụ thể, Điều 229 BLTTHS quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, VKS cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, công an cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Luật cũng quy định nếu tòa chậm giao bản án cho bị cáo thì phải xem xét các yếu tố khách quan có liên quan. Nếu có căn cứ cho rằng tòa sơ thẩm không giao đúng thời hạn nêu trên thì tòa đã vi phạm tố tụng hình sự.

Chậm vì chuyển qua… bưu điện

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 31-3, Chánh án TAND huyện Mang Yang Trương Nam Trung cho biết ông không biết việc bị cáo Tài đến tòa xin bản án. Trả lời câu hỏi về việc tòa có thực hiện nghĩa vụ gửi bản án cho bị cáo theo luật định hay không, ông Trung nói: “Tòa đã gửi bản án theo đường bưu điện cho bị cáo Tài trong thời hạn quy định. Còn vì sao đến nay bị cáo chưa nhận được thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại. Ngay trong chiều 31-3, bị cáo Tài đã trực tiếp đến TAND huyện để nhận bản án…”.

Cũng theo ông Trung, tại phần khai mạc phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đều được nghe HĐXX giải thích về quyền và nghĩa vụ, trong đó có quyền kháng cáo. Theo đó, bị cáo có thể làm đơn kháng cáo ngay sau khi tòa kết thúc phiên xử hoặc sau đó 15 ngày mà không cần phải chờ đến khi có bản án sơ thẩm.

Phó Chánh án phụ trách TAND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thanh Hảo cũng cho rằng luật cho phép ngay sau khi tòa tuyên án, đương sự có quyền kháng cáo trong vụ án, có thể thực hiện quyền của mình ngay. Tức là trong đơn này bị cáo Tài có quyền trình bày kêu oan và kháng cáo toàn bộ bản án để đảm bảo đúng hạn luật định. Sau khi nhận được bản án sơ thẩm và nghiên cứu kỹ, bị cáo có thể gửi đơn kháng cáo bổ sung cùng các tài liệu chứng cứ khác để thuyết minh chi tiết cho yêu cầu của mình. Khi xét xử phúc thẩm, TAND cấp phúc thẩm sẽ xem xét cả đơn kháng cáo ban đầu và các đơn kháng cáo bổ sung nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của bị cáo. Nếu không gửi qua đường bưu điện thì bị cáo có thể lên thẳng tòa phúc thẩm gửi đơn kháng cáo. Một số bị cáo không có luật sư tư vấn hoặc nhận thức pháp luật có phần hạn chế nên cứ chờ bản án mới kháng cáo là thiệt thòi và có thể mất quyền kháng cáo.

Đơn của bị cáo Tài vẫn hợp lệ

Sau khi đến TAND huyện xin bản án không xong, được nhiều người hướng dẫn, cũng trong ngày 30-3, bị cáo Tài đã gửi đơn kháng cáo qua đường bưu điện đến TAND tỉnh Gia Lai. Theo ông Nguyễn Thanh Hảo, bị cáo Tài gửi qua đường bưu điện vào ngày 30-3, tức là ngày cuối cùng của thời hạn kháng cáo. “Dù có thể mấy ngày nữa TAND tỉnh mới nhận được đơn này nhưng nếu dấu bưu điện thể hiện thì đây vẫn là đơn kháng cáo hợp lệ. Chúng tôi sẽ lưu ý trường hợp này của bị cáo Tài” - ông Hảo nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm