Tài sản chưa có, không nên đòi giấy sở hữu

Theo khoản d Điều 35 và Điều 46 Luật Công chứng, người đi công chứng di chúc những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng phải nộp bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Từ quy định này, các công chứng viên đã từ chối công chứng các di chúc liên quan đến nhà, đất chưa có giấy hồng, giấy đỏ, hoặc những hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất...

Đối với nhà, đất chưa có giấy chứng nhận, do chúng là loại tài sản đang hiện hữu nên xem ra sự từ chối trên đúng quy định. Nhưng đối với các hợp đồng góp vốn mua nhà, đất, do bất động sản ấy chỉ có ở thì tương lai (tức chưa phải là tài sản vào thời điểm công chứng di chúc) nên nhiều người đã cảm thấy ấm ức khi bị từ chối.

Siết chặt vì ngại tranh chấp

Qua nhiều thời kỳ, quan điểm của các cơ quan chức năng về việc làm di chúc có sự thay đổi. Năm 1987, Bộ Tư pháp có một thông tư hướng dẫn: Công chứng viên không được yêu cầu đương sự xuất trình giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, công chứng viên phải giải thích để người dân hiểu nếu tài sản ghi trong di chúc không thuộc sở hữu của người làm di chúc thì người được chỉ định trong di chúc không được quyền thừa kế tài sản.

Tài sản chưa có, không nên đòi giấy sở hữu ảnh 1

Người dân đang công chứng giấy tờ tại phòng công chứng.

Triển khai được một thời gian thì quy định này đã gây ra một số bất cập. Chẳng hạn có người đã lập di chúc để định đoạt những căn nhà... đang bị nhà nước quản lý! Để hạn chế, loại trừ các tranh chấp như thế, các nghị định 31, 45, 75 về công chứng của Chính phủ đều hướng dẫn: Khi làm di chúc để định đoạt các tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người yêu cầu công chứng, chứng thực phải có đầy đủ giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó, trừ trường hợp tính mạng của người lập di chúc bị cái chết đe dọa.

Nay thì Luật Công chứng còn yêu cầu cụ thể hơn nữa: Người đi làm di chúc nhất định phải có bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Làm sao người dân đáp ứng được ngay yêu cầu này khi các hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất có thể kéo dài đến ba, bốn năm?

ý kiến cho rằng loại hợp đồng này không phải là tài sản mà là quyền tài sản. Do vậy, công chứng viên vẫn có thể công chứng di chúc theo hướng người góp vốn được quyền để lại cho người thừa kế các quyền lợi có dính dáng đến hợp đồng. Và như thế, người lập di chúc chỉ cần nộp bản hợp đồng để thể hiện có việc góp vốn chứ không cần nộp giấy chứng nhận nhà, đất. Nhưng theo tôi, cách xử lý này chưa hẳn ổn thỏa. Để giải quyết, tôi thường hướng dẫn người dân lập di chúc để lại số tiền mua căn hộ cho người thừa kế. Đương nhiên, di chúc kiểu này không tạo sự ưng ý tuyệt đối cho người góp vốn vì tiền mua căn hộ, nền đất khác với giá trị căn hộ, nền đất.

Nên thay đổi để phù hợp thực tế

Theo luật pháp Việt Nam, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ để phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý trong các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác. Nếu ở Mỹ, công chứng viên chỉ cần làm chứng đã có sự việc đúng như vậy xảy ra thì nước ta lại không làm vậy. Khi công chứng hợp đồng, di chúc, công chứng viên có trách nhiệm chứng nhận tính xác thực của hợp đồng, giao dịch. Đây chính là căn cứ để Luật Công chứng bắt buộc tài sản để thừa kế phải có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Theo tôi, việc công chứng nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình của pháp luật ta hiện nay. Nhưng cách thức công chứng này cần được áp dụng linh hoạt để phù hợp với thực tế giao dịch hợp pháp của người dân. Rất nhiều người đề nghị việc lập di chúc cần được thực hiện theo kênh này, việc thừa kế theo di chúc cần được giải quyết theo kênh khác. Cá nhân tôi cũng đồng tình với đề xuất này, nhất là đối với những trường hợp muốn lập di chúc để lại nhà, đất còn nằm trong giai đoạn góp vốn tạo lập.

Công chứng viên PHAN VĂN CHEO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm