Tấn công mạng vào VOV: Phải điều tra, xử nghiêm!

Theo thông tin từ báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam - ĐTNVN), từ tối 12-6, việc truy cập vào trang web plo.vn đã gặp khó khăn, đường truyền bị chậm. Đến 12 giờ ngày 13-6, trang web plo.vn đã truy cập được bình thường.

Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ tấn công mạng

Ngày 14-6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an cho biết đã nhận được công văn của báo điện tử VOV về việc trang web và fanpage của báo bị tấn công bằng từ chối dịch vụ (DDoS), khiến băng thông truy cập quá tải.

Trước đó, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Viettel và VNPT gấp rút xử lý việc báo điện tử VOV bị tấn công.

Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam đã truy cập bình thường. (Ảnh chụp màn hình)

Theo bộ phận kỹ thuật của báo điện tử ĐTNVN, đây là kết quả của cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) làm tràn băng thông, khiến việc truy cập vào báo bị tê liệt. Đồng thời fanpage của tờ báo này cũng nhận hàng chục ngàn bình luận mang tính tiêu cực, công kích. Cơ quan này đã liên hệ với Google và Facebook để xử lý các vấn đề có liên quan.

Đại diện báo điện tử VOV cũng cho biết việc tờ báo bị tấn công đã ảnh hưởng đến hoạt động của tòa soạn, ảnh hưởng đến quyền truy cập thông tin của độc giả.

Báo điện tử VOV đã khẩn cấp liên hệ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ TT&TT để phối hợp giải quyết, xử lý những sai phạm của các đối tượng quá khích khi cố tình tấn công các nền tảng kỹ thuật của một cơ quan truyền thông quốc gia.

Ngoài ra, VOV đang rà soát, phát hiện mã độc trong hệ thống, đồng thời hạn chế hậu quả do các đợt tấn công mạng gây ra, phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.

Truy đến cùng và xử thật nghiêm

“Tôi đề nghị phải truy đến cùng người có những hành vi vi phạm pháp luật để xử lý thật nghiêm”. Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu quan điểm quyết liệt như vậy khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.

Ông Vân cho rằng hành vi sử dụng thiết bị máy tính để tấn công vào các trang mạng xã hội, cụ thể là trường hợp tấn công mạng báo điện tử VOV, cơ quan truyền thông quốc gia trực thuộc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là hành vi rất tiêu cực, hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích thêm: Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo chống Nhà nước; thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

ThS Võ Phước Long (Trưởng bộ môn luật đại cương, Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng việc tấn công mạng vào một trong những mục tiêu an ninh quốc gia này là hành vi rất nghiêm trọng, cần phải điều tra, xử lý nghiêm.

Hình phạt rất nặng

Bình luận về điều này, nhiều luật sư cho rằng ĐTNVN (VOV) có nhiệm vụ “tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và Quốc hội, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân”. Đài được sự quản lý nhà nước của Bộ TT&TT về hoạt động báo chí, tần số, truyền dẫn và phát sóng. Cho nên đài VOV là một trong các mục tiêu, công trình hạ tầng - kỹ thuật quan trọng đặc biệt về an ninh quốc gia.

Các luật sư cho rằng cần mạnh tay xử lý các hành vi tấn công mạng bằng các biện pháp hành chính, hình sự, cũng như buộc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.

Về xử lý hành chính, người vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 15/2020. Về hình sự, đây là hành vi có dấu hiệu của một số tội như: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015 (hình phạt đến bảy năm tù, theo khoản 2); tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo Điều 289 BLHS (hình phạt đến 12 năm tù, theo khoản 3)…

Người phạm tội có thể bị phạt bổ sung như phạt tiền, bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy vào tội danh mà họ vi phạm.

 

Vụ mạng VOV bị tấn công: Đã rõ dấu hiệu phạm tội

Hành vi tấn công hệ thống mạng của VOV từ tối 12-6 và bị dừng hoạt động từ trưa 13-6 đến chiều cùng ngày đã đủ dấu hiệu cấu thành tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử theo điểm c khoản 1 Điều 287 BLHS 2015. Đây là hành vi “làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến dưới 24 giờ”. Tùy từng mức độ nguy hiểm khác nhau, người phạm tội sẽ bị xử lý ở các khung hình phạt tương ứng của tội này.

Chẳng hạn, nếu xác định báo điện tử VOV là cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự ở khoản 3 Điều 278 BLHS với khung hình phạt 7-12 năm tù.

Những người có hành vi chủ mưu, xúi giục, giúp sức cho người thực hiện vụ tấn công cũng sẽ bị xử lý về tội danh này với vai trò đồng phạm.

Những hacker xâm nhập mạng xã hội lấy thông tin đời tư, thông tin tài khoản ngân hàng... đăng tải trên mạng, trao đổi, mua bán, lãnh thưởng… tùy từng trường hợp cụ thể có thể cấu thành tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác tại Điều 289 BLHS; hoặc tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng tại Điều 291 BLHS.

Hiến pháp và pháp luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, quyền này không được xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác như vu khống, lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, công dân.

Các tranh chấp trên mạng xã hội cần phải được giải quyết bằng pháp luật, tránh cách hành xử dùng mạng xã hội hoặc các kênh thông tin khác tấn công nhau. Đây là cách giải quyết của một xã hội hiện đại, tôn trọng văn hóa pháp quyền.

Hiện nay, vụ việc tấn công mạng đang được điều tra. Do đó, chúng ta cần chờ xem ai là người có hành vi vi phạm pháp luật, tránh tùy tiện quy kết, bởi lẽ một người được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm