Cựu trợ lý Tổng thống Mỹ Ronald Reagan:

'Tấn công Syria là sai lầm chiến lược của ông Trump'

Quyết định nã tên lửa vào Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một sai lầm chiến lược, có rủi ro kéo nước Mỹ vào một cuộc xung đột không thể thắng nữa ở Trung Đông.

Trong một bài viết trên The Hill, ông Doug Bandow - cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Cato chuyên nghiên cứu phát triển chính sách công - đưa ra tám lý do:

Thứ nhất, vụ tấn công là bất hợp pháp. Theo Hiến pháp Mỹ, trước khi đưa quân đi tấn công nước khác phải có tuyên bố chiến tranh của Quốc hội. Quyền hạn của tổng thống - tổng tư lệnh quân đội là phản ứng với việc bị tấn công, chứ không phải khơi mào tấn công. Còn nhớ năm 2013 ông Trump đã nói sẽ là “một sai lầm lớn” nếu Tổng thống Barack Obama tấn công Syria mà không được phép của Quốc hội.

Thứ hai, Mỹ không có quyền lợi sống còn gì có thể bào chữa cho việc sử dụng sức mạnh quân sự. Năm 2013 ông Trump từng tuyên bố “đừng tấn công Syria, sẽ chẳng có lợi gì mà phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng”. Với nhiều nhà hoạch định chính sách hiện nay, quân sự đã trở thành công cụ được viện tới đầu tiên.

Tuy nhiên, chiến tranh về cơ bản rất khác với các công cụ chính sách khác và cần kiềm chế dùng tới nếu không phải đối mặt với các đe dọa nghiêm trọng như đe dọa về sinh mạng người dân Mỹ, toàn vẹn lãnh thổ, sự tự do của hiến pháp, sự sống còn của kinh tế. Tình hình Syria không hề đe dọa đến những điều này.

Thứ ba, ông Trump rõ ràng đã có quyết định dựa trên cảm xúc, sau khi nhìn thấy các hình ảnh đau thương từ vụ đánh bom hóa học. Tuy nhiên, đó lại là một căn cứ tệ hại với chính sách đối ngoại và quân sự Mỹ. Thế giới đầy rẫy chuyện đau thương, trong đó có nửa triệu người chết ở Syria vì bom đạn. Mỹ sẽ rất bận rộn nếu một tổng thống chỉ vì những hình ảnh này mà đưa đất nước vào chiến tranh.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley và những bức ảnh nạn nhân trong vụ đánh bom hóa học ở Syria ngày 4-4. Ảnh: AFP

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley và những bức ảnh nạn nhân trong vụ đánh bom hóa học ở Syria ngày 4-4. Ảnh: AFP

Thứ tư, vụ tấn công là chuyện bé xé thành to. Trong trường hợp này vũ khí hóa học không khác nhiều các loại vũ khí tiêu chuẩn khác. Không có vũ khí hóa học, chính phủ Syria và phe nổi dậy vẫn gây thương vong lớn. Hay nói cách khác, vụ đánh bom hóa học ở Syria chưa đủ để khơi mào chiến tranh.

Thứ năm, vụ tấn công có vẻ là phản ứng giận dữ nhất thời hơn là một chiến lược. Việc đưa Mỹ vào một cuộc nội chiến dai dẳng hàng năm trời khả năng lớn sẽ mang lại những hậu quả tàn khốc. Mỹ đã tính toán kỹ và bước vào các cuộc chiến Afghanistan, Iraq, Libya một cách chủ động nhưng vẫn không đạt được kết quả tích cực. Bước vào cuộc chiến Syria với tâm thế không định trước thế này thì kết quả sẽ còn tệ hơn.

Thứ sáu, tấn công chính phủ Syria có nghĩa là làm mạnh thêm IS. Lật ông Assad sẽ đưa cuộc nội chiến Syria vào một giai đoạn mới. Và lịch sử đã chứng minh bên chiến thắng cuối cùng trong các cuộc nội chiến như thế này thường không phải là phe ôn hòa, mà là phe cứng rắn và tàn bạo hơn. Một khi chuyện tương tự xảy ra ở Syria thì chuyện tàn sát sẽ còn tệ hơn hiện tại.

Thứ bảy, một khi Mỹ can dự vào Syria thì khả năng sa lầy sẽ rất cao. Mỹ dần dần sẽ không tránh khỏi tăng can dự vào Syria với hàng loạt nhiệm vụ như đánh IS, bảo vệ các nhóm thiểu số, tìm kiếm chính phủ mới, trục xuất lực lượng Iran, kiềm chế ảnh hưởng Nga, kiềm chế tham vọng người Kurd…

Cuối cùng, vụ tấn công mang lại bài học sai lầm. Nhiều ý kiến nói Nga và Triều Tiên đã bị Mỹ dọa, tuy nhiên cần thực tế là Triều Tiên đã có được sức mạnh phòng thủ và có khả năng phá hủy thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Triều Tiên mới đây còn nói quyết định nã tên lửa Syria của ông Trump càng cho thấy quyết định phát triển chương trình hạt nhân của nước này là đúng. Trong khi đó Nga nhiều khả năng sẽ tăng năng lực hạt nhân để cảnh cáo Mỹ rằng Nga không dễ bị uy hiếp.

Theo nhà phân tích Bandow, ông Trump đang lôi Mỹ vào cuộc nội chiến Syria nhiều tầng nhiều lớp, trong khi trước đó đã hứa sẽ không lặp lại sai lầm của các chính phủ trước ở Iraq và Libya. Ông Trump từng nói trước khi quyết định nã tên lửa Syria là ông có trách nhiệm với Syria. Tuy nhiên, theo ông Bandow, ông Trump cần thể hiện trách nhiệm với người dân Mỹ, bằng cách giữ nước Mỹ ở ngoài cuộc nội chiến Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm