Sáng 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 16. Tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP.HCM.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay Nghị quyết 54 có hiệu lực trong năm năm và sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tổng kết và đề xuất cơ chế chính sách mới thay cho Nghị quyết 54 nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Chính phủ chưa chuẩn bị kịp.
Chính phủ đề xuất kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm 2023, trong thời gian đó Chính phủ sẽ trình QH quyết định những nội dung mới thay Nghị quyết 54. “Nhanh chậm thế nào tùy thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của TP.HCM và các cơ quan của Chính phủ. Đây là xử lý tình huống” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Theo ông Vương Đình Huệ, nếu chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa thì kỳ họp này QH sẽ đánh giá tổng kết và đề xuất QH ban hành nghị quyết mới. Tuy nhiên, do Chính phủ chuẩn bị chưa kịp nên trình ra xin Thường vụ QH cho ý kiến. “Nếu nội dung này được chấp nhận, UBTVQH cho ý kiến nên xử lý theo hình thức pháp lý nào. Nên ban hành nghị quyết riêng hay có một phần trong nghị quyết chung của QH đối với nội dung này. Trong đó đánh giá tổng kết, kéo dài thời gian có hiệu lực của nghị quyết và giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế mới cho TP.HCM” - ông Huệ nói.
Trước đó, tại báo cáo thẩm tra sơ bộ gửi UBTVQH hôm 8-10, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng nếu tại kỳ họp thứ tư Chính phủ không thể đưa ra những đề xuất chính sách mới (của nghị quyết thay thế Nghị quyết 54) để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm thì phương án kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết 54 là cần thiết.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý việc đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thực chất là kéo dài thời gian áp dụng chính sách thí điểm có thời hạn. Điều này phần nào làm chậm quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; làm giảm tính vững chắc, nhất quán trong thực thi pháp luật.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; chưa dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu kéo dài thời hạn thực hiện thêm một năm. “Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19, báo cáo chưa chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài” - cơ quan thẩm tra nhận xét.
Trong phần kiến nghị, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện nghị quyết đến hết ngày 31-12-2023. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo QH” theo đúng quy định tại Nghị quyết 54 và đưa nội dung này vào nghị quyết của kỳ họp thứ tư QH khóa XV.