Tăng nguồn cung, sửa quy định về xăng dầu

(PLO)- Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ghi nhận thị trường TP.HCM ngày 14-10 cho thấy căng thẳng về xăng dầu đã giảm nhiệt, không còn cảnh người dân xếp hàng dài như những ngày trước. Nhiều cây xăng đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết họ vẫn đang lỗ do chiết khấu thấp và nguồn cung cấp xăng từ các công ty đầu mối còn chưa ổn định.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng tiếp tục tung ra một số giải pháp tăng nguồn cung và điều chỉnh quy định bất hợp lý để ổn định thị trường xăng dầu.

Hai nhà máy lọc dầu phải tăng sản xuất xăng

Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn, hai đơn vị cung ứng 70% sản lượng trong nước, điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tăng công suất tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Cùng với yêu cầu này, Bộ Công Thương cũng đề nghị hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho đơn vị đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, hai nhà máy trên cần sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối không có hợp đồng dài hạn với nhà máy bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.

Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân tăng cường cung ứng xăng dầu để kịp cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân tăng cường cung ứng xăng dầu để kịp cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay một trong những lý do khiến nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn vừa qua là hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đã chuyển cơ cấu tăng sản lượng dầu diesel, giảm sản lượng xăng.

Tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ hôm 13-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà thật kỹ cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay, trong đó có nghiên cứu rút ngắn kỳ điều hành và điều chỉnh các quy định liên quan đến chi phí cấu thành giá xăng dầu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu công tác điều hành xăng dầu, phản ứng chính sách cần linh hoạt hơn, nhanh hơn; các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Trong khi đó, tại cuộc họp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu vừa diễn ra, ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên, Phó Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, cho hay: Quý I-2022 có một số diễn biến bất thường khiến sản lượng bị hụt so với phần cam kết với các đầu mối. Nhưng bước sang quý II và III nhà máy đã sản xuất tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng đã cam kết, thậm chí quý III lượng xăng đã vượt so với ký kết.

“Quý IV, sản lượng của nhà máy cam kết sản xuất đều vượt mức so với thời gian trước đây. Với sản lượng này đảm bảo cung cấp sản lượng đã cam kết với hợp đồng thương nhân đầu mối” - ông Tuyên khẳng định.

Tương tự, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, cho hay trung bình chín tháng đầu năm nhà máy sản xuất vượt kế hoạch 106%. Hiện tại, nhà máy đã đáp ứng 83% kế hoạch và cam kết đảm bảo cung cấp tối đa nguồn cung trong nước.

Rà soát, sửa đổi quy định về xăng dầu

Thời gian qua, tại một số địa phương có hiện tượng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, ngừng bán hàng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chưa tính đúng, tính đủ các chi phí trong kinh doanh xăng dầu và nhiều quy định bất cập khác trong quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nguồn cung. Hiện nguồn cung trong nước đang chiếm 70%-80% (tức vẫn phải nhập khẩu 20%-30%) nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp khó khăn. Trong khi đó, các công ty kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu.

“Vì vậy cần phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), trong đó có việc phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế của DN; có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ… Qua đó giúp các DN giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cũng như nước ngoài, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường” - Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Ông Hải cũng nhìn nhận từ kỳ điều hành ngày 11-10 vừa qua, một số phụ phí, chi phí trong kinh doanh xăng dầu như chi phí vận chuyển từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, chi phí tạo nguồn trong nước… đã được Bộ Tài chính điều chỉnh. Tuy nhiên, ông cho rằng sau khi điều chỉnh vẫn chưa đủ bù đắp chi phí cho DN, do các chi phí này vừa qua tăng rất mạnh nên cần phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

Tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo Chính phủ trong tháng 10-2022.

Lỗ lớn nên doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu xăng dầu

Bà Trần Thị Tuyết Mai, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, cho rằng thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do DN đang lỗ lớn do chi phí thực tế tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Vì vậy, bà đề nghị liên bộ Tài chính - Công Thương, Chính phủ xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà DN bỏ ra để tính đúng, tính đủ.

“Chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý I chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít và quý III là 967 đồng/lít, tức là bình quân DN đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, DN lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho chúng tôi?” - bà Mai đặt câu hỏi.

Tương tự, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nhà máy lọc dầu Cát Lái (Saigon Petro), nói dù nhà máy vẫn nỗ lực, cố gắng tìm cách để nhập hàng nhưng chi phí liên quan đến nhập khẩu quá cao.

“Lãi của chúng tôi trong sáu tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong hai tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10 DN không thể nhập khẩu được nữa, chỉ dám cắn răng nhập khẩu một chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán. Lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng” - ông Thoại cho biết và đề nghị cơ quan chức năng phải tính đúng, tính đủ chi phí cho DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm