Tăng trưởng điện thấp vì nhiều ông lớn ngành thép, xi măng cắt giảm sản xuất

(PLO)- Nhiều doanh nghiệp ngành thép, xi măng giảm dây chuyền sản xuất đã ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ điện, tăng trưởng điện thương phẩm ở miền Bắc thấp nhất hơn 10 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực trạng này được bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bà Đỗ Nguyệt Ánh cho biết, năm 2022, sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC thấp kỉ lục trong hơn 10 năm qua. Các năm trước, tăng trưởng điện thương phẩm của EVNNPC luôn ở mức 11-17%, tuy nhiên năm nay chỉ ở mức hơn 5%.

"Trong hơn 10 năm qua, chỉ năm 2020 do ảnh hưởng COVID-19 nên tăng trưởng điện thương phẩm của EVNNPC ở mức 6,7% nhưng năm nay dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng mức tăng trưởng điện thương phẩm mà tổng công ty đạt được chỉ là 5,42%”- Bà Ánh nêu thực tế.

Lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp và EVN chủ trì hội nghị. Ảnh: TP

Lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp và EVN chủ trì hội nghị. Ảnh: TP

Lý giải nguyên nhân, người đứng đầu EVNNPC cho rằng, năm 2022 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, cắt giảm sản xuất. Mức ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã thấm vào doanh nghiệp. Các hộ tiêu thụ điện lớn như thép, xi măng, điện tử tiết giảm sản xuất, thu gọn dây chuyền hoạt động nên đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ điện.

“Tập đoàn Hòa Phát dừng một số lò sản xuất thép, doanh nghiệp xi măng giảm ca, sản xuất cầm chừng. Đặc biệt Samsung, một khách hàng tiêu thụ điện lớn của miền Bắc đã tạm dừng một số dây chuyền trong thời gian dài so với thường lệ. Samsung giảm dây chuyền sản xuất đã khiến cho mọi vệ tinh xung quanh cũng bị cắt giảm hết, khiến tổng lượng điện giảm là 300 triệu kWh”- Bà Ánh chia sẻ.

Theo bà Ánh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều và vượt xa dự tính của ngành điện, điện lực phải đối mặt với những thách thức.

Bên cạnh đó, việc giá mua điện tăng cao đã khiến cho EVNNPC và ngành điện chịu áp lực về chi phí đầu vào. “So sánh với đơn giá trong kế hoạch, giá mua điện trên thị trường của EVNNPC đã tăng 685 đồng/kWh, tương đương chi phí tăng thêm 3.700 tỉ đồng”- Bà Ánh dẫn chứng

Từ thực tế trên, lãnh đạo EVNNPC cho biết trong, năm 2022 dự báo EVNNPC lỗ 4.700 tỉ đồng do sản xuất, kinh doanh điện. Do vậy, EVNNPC phải giảm tiền lương cán bộ, công nhân viên, tạm tính giảm 40%.

“Số lỗ này sẽ gây khó khăn cho EVNNPC trong việc nộp tiền điện về tập đoàn vì chúng tôi không có nguồn để nộp. Báo cáo tài chính lỗ sẽ khiến đơn vị này không thể thu xếp tài chính cho các dự án năm nay và 5 năm tiếp theo”- Bà Ánh nêu thực tế.

Theo đó, lãnh đạo các đơn vị ngành điện kiến nghị EVN xem xét đảm bảo thu nhập cho người lao động, giải quyết những khó khăn do tăng giá mua điện trên thị trường,

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp cho rằng, năm 2022, EVN đã khẳng định được năng lực và vị thế hàng đầu của một doanh nghiệp nhà nước lớn, đã hoàn thành được các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.

Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò của tập đoàn trong phát triển kinh tế đất nước, EVN cần quán triệt thực hiện các giải pháp phù hợp.

EVN phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, đảm bảo khả năng cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được đặt lên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, tài chính, quản trị,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm